Nghị định 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) có hiệu lực từ tháng 10-2017, quy định các doanh nghiệp (DN) nhập xe ô tô vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài.
Các lô hàng về phải kiểm tra, trong đó có kiểm tra các kiểu loại về khí thải và an toàn giao thông theo quy định. Đã 4 tháng trôi qua khi NĐ 116 có hiệu lực, cuộc “đại chiến” giữa các DN nội và ngoại trong lĩnh vực ô tô vẫn chưa có hồi kết.
Phản ứng trước NĐ 116 được ban hành, các ông lớn như Toyota, Honda (Nhật Bản) nhấn mạnh việc họ sẽ ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì chính sách mạnh tay của Chính phủ nước sở tại, đồng thời bày tỏ sự quan ngại chi phí và thời gian cho việc kiểm định lô hàng là quá lớn.
Trong khu vực ASEAN, các ông lớn sản xuất và lắp ráp ô tô cũng chia sẻ nỗi lo về việc không thể xuất xe sang Việt Nam bởi những rắc rối liên quan đến nghị định này. Thậm chí, đại diện Bộ Thương mại Indonesia cho hay sẽ gửi kiến nghị lên WTO trong trường hợp "Việt Nam áp dụng quy định này quá sớm và chưa có thông báo lên WTO". Trong nước, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã vài lần kiến nghị Chính phủ, yêu cầu sửa đổi lại theo hướng cởi trói cho các DN nhập khẩu.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng các biện pháp phi thuế quan để ngăn chặn nhập khẩu xe ô tô, bảo hộ cho nền sản xuất xe trong nước thông qua NĐ 116. Và như vậy sẽ tác động không tốt đến thị trường xe, đặc biệt là từ phía người tiêu dùng. Họ sẽ càng khó mua được xe giá rẻ nhập từ các thị trường gần gũi vào Việt Nam, dù đã chờ đợi khá lâu để có cơ hội này.
Từ tác động của NĐ 116, trong 2 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ gần 40 chiếc với trị giá hơn 1,1 triệu USD. Đây là mức nhập khẩu ô tô thấp kỷ lục từ trước đến nay. Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, việc thiếu nguồn cung xe có thể xảy ra trong ngắn hạn, song về dài hạn sẽ được bù đắp bởi các DN sản xuất trong nước. Ở góc nhìn lạc quan, kỳ vọng các DN nước ngoài vì ngại NĐ 116 mà chuyển dần việc sản xuất từ các quốc gia trong khu vực ASEAN về Việt Nam là có.
Đơn cử như vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã chấp thuận chủ trương của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) khởi động dự án nhà máy sản xuất thứ hai của Mitsubishi Motors tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, công suất từ 30.000-50.000 chiếc/năm bao gồm cả xuất khẩu.
Trong khi đó, Ford Việt Nam vừa đánh dấu tròn 20 năm sản xuất đã chính thức xuất xưởng Ford EcoSport mới được sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương, với kế hoạch giao xe cho khách hàng vào tháng 3 tới. Từ đây, các DN này có đủ điều kiện được hưởng mức thuế ưu đãi 0% cho các linh kiện dùng cho việc lắp ráp xe trong nước theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP mới ban hành, đồng thời nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các chính sách phi thuế quan trong tương lai.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ GTVT vừa chấp nhận mẫu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô do Chính phủ Thái Lan cung cấp cho xe xuất khẩu từ nước này vào Việt Nam. Đây là loại giấy tờ quan trọng nhất, chìa khóa để mở cánh cửa gần như khép lại với xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Như vậy, vấn đề của NĐ 116 sau 4 tháng có hiệu lực không còn nằm ở việc các hãng có cung cấp được giấy chứng nhận kiểu loại hay không, mà nằm ở thời gian. Một chuyên gia nhận định, nếu các hãng xe danh tiếng ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản muốn đưa ô tô vào Việt Nam, họ sẽ tự biết cách tìm ra giấy chứng nhận. Do vậy, vấn đề chỉ cần nới khoảng thời gian rộng hơn để chuẩn bị, sẽ không có những tranh cãi như hiện nay.
NĐ 116 chính là để hướng đến chiến lược này, thỏa mãn các yêu cầu đặt ra cho bài toán thúc đẩy phát triển sản xuất ô tô trong nước. Nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm, thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan Nhà nước, và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.