Thị trường vàng: thấp thỏm chờ bình ổn

SGTT | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 07 Tháng Mười 2011 09:34:00

Trước thông tin NHNN có thể cho phép một số ngân hàng thương mại lập quỹ bình ổn vàng và giao dịch vàng qua tài khoản ở nước ngoài, mãi lực trên thị trường đã giảm mạnh, do người dân chờ đợi, nghe ngóng.

 Trong khi đó, một số ngân hàng mạnh tay gom vàng bằng cách tăng nhanh lãi suất huy động vàng.

Người dân nghe ngóng, ngân hàng “đón lõng”

Hôm qua, 6.10, giá vàng trong nước lùi về sát mốc 44 triệu đồng/lượng. Tính ra, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn giá thế giới 1,5 – 1,7 triệu đồng/lượng nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, lượng người dân đến mua vàng của công ty đã giảm 30 – 40% so với một tuần trước. So với thời điểm hai tuần trước, lượng giao dịch giảm hẳn một nửa bởi khi ấy người dân chen lấn hỗn loạn để mua vàng, dù giá mỗi lượng mua được chênh vài ba triệu đồng so với giá thế giới. Đây cũng là diễn biến chung tại thị trường Hà Nội và theo nhận định của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là do “người dân chờ đợi, nghe ngóng chính sách quản lý mới đối với thị trường vàng”.

Xuất hiện thông tin NHNN đang xem xét cho một số ngân hàng được bán ra hoặc mua vào trong trường hợp thị trường này biến động bất thường về cung – cầu, giá cả. Ngoài điều kiện đã và đang nắm trong tay một lượng vàng huy động từ dân cư, các ngân hàng này còn phải đáp ứng những yêu cầu về quy mô vốn, hệ số an toàn, năng lực quản trị… Trong trường hợp nhu cầu mua vàng tăng vọt, làm giá trong nước cao phi lý so với giá thế giới, các ngân hàng này sẽ bán một lượng vàng nhất định ra thị trường, theo hạn ngạch do NHNN duyệt. Khi mãi lực và giá vàng trong nước xuống thấp, các ngân hàng được xem xét mua vào. Ngân hàng sẽ được phép giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài để đảm bảo cân bằng trạng thái. Theo tính toán, lượng vàng các ngân hàng này có thể can thiệp ra thị trường vào khoảng 20 tấn vàng.

Mặc dù NHNN chưa đưa ra quyết định cuối cùng, song một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vàng. Lãi suất huy động vàng kỳ hạn từ 1 – 12 tháng của ngân hàng Eximbank trước đây chỉ dưới 1%/năm, tăng lên 1,5%/năm từ 3.10. Từ 1.10, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng của ngân hàng HDBank cao nhất lên tới 2%/năm. Lãi suất chứng chỉ bằng vàng các kỳ hạn 3, 6, 9 tháng của ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa là 2,2%/năm…

Tạo liên thông thị trường

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB – một trong số những ngân hàng được xem xét tham gia bình ổn thị trường vàng, cho biết, các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này của ACB đã sẵn sàng. Cụ thể, ACB có một lượng vàng “kha khá” huy động từ dân cư, có một đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm trong giao dịch vàng qua tài khoản ở nước ngoài nói riêng cũng như kinh nghiệm trong quản trị rủi ro nói chung. Trả lời câu hỏi này của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Toại cho rằng, mục tiêu của chính sách là nhằm huy động lượng vàng lớn ngay tại thị trường Việt Nam thay vì nhập vàng vật chất, do vậy không lo ngại thâm hụt cán cân thanh toán gia tăng.

Tổng thư ký hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng ủng hộ chủ trương liên thông thị trường vàng trong nước – quốc tế theo định hướng chính sách mới. Ông Bảng cho rằng, NHNN nên công khai tiêu chí, điều kiện đối tượng được hoạt động bình ổn thị trường vàng, để ngỏ cho nhiều đơn vị có thể tham gia, tạo sức cạnh tranh. “Nếu các quy định lại tạo ra cơ chế độc quyền, tôi e rằng, chính sách lại đi ngược với mong muốn của cơ quan quản lý”, ông Bảng nêu ý kiến.

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng, biện pháp mà NHNN tính đến như lập tổ chuyên trách giám sát liên tục hàng ngày tài khoản vàng ở nước ngoài cũng như cập nhật lượng vàng bán ra trong nước của từng ngân hàng là cơ quan quản lý đã “tranh việc” của doanh nghiệp. Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng, doanh nghiệp hay người dân đổ xô đi mua – bán vàng là do họ kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu cơ vàng. Mà khi đã đầu cơ, họ phải tự chịu trách nhiệm về lời, lãi. Thay vì tốn quá nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để bảo vệ quyền lợi cho nhóm những nhà đầu cơ đó, các chính sách của chúng ta nên hướng đến ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.