Tập đoàn y tế Fortis HealthCare của Ấn Độ đã chi 64 triệu đôla Mỹ để chi phối 65% cổ phần tại công ty y khoa Hoàn Mỹ, trở thành một trong mười thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay.
Các hãng dược nước ngoài đang gia tăng vị trí tại Việt Nam bằng nhiều hoạt động tài chính, nhiều hãng gia tăng đầu tư trực tiếp để củng cố thế mạnh đã có, số khác thực hiện thâu tóm các công ty trong nước để tăng quyền kiểm soát hoặc tìm kênh gia nhập thị trường.
Tại lễ khai trương nhà máy sản xuất dịch truyền ở Quy Nhơn ngày 26.9, ông Ulf Mark Schneider, tổng giám đốc điều hành Fresenius, cho biết hệ thống y tế tại Việt Nam đang phát triển nhanh, việc kinh doanh của Fresenius Kabi đã không ngừng tăng trưởng với mức trung bình 20% hàng năm trong ba năm qua.
“Với 90 triệu dân, Việt Nam trở thành thị trường tăng trưởng then chốt của nhiều tập đoàn, Fresenius muốn gia tăng vị thế của mình với nhà máy sản xuất tại chỗ để tiết giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh”, ông nói.
Gia tăng đầu tư sản xuất
Nhà máy được đầu tư 340 tỉ đồng trong tổng vốn dự kiến 560 tỉ, có công suất hàng năm 50 triệu chai dịch truyền nhựa, 20 triệu chai thuỷ tinh và 130 triệu ống thuốc nước các loại – nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của Fresenius ở ASEAN.
Tuy nhiên, trước đó bốn năm, liên doanh Fresenius Kabi Bidiphar đã ra đời bằng việc liên kết với Dược Bình Định (Bidiphar). Từ đó đến nay, liên doanh này dẫn đầu thị phần về sản phẩm dịch truyền và thuốc tiêm tĩnh mạch generic tại Việt Nam.
Cuối tuần trước, Rohto Mentholatum của Nhật cũng đưa vào vận hành dây chuyền mới sản xuất thuốc nhỏ mắt được đầu tư 190 tỉ đồng, với hệ thống điều khiển tự động có công suất 9.000 lọ/giờ. Ông Hirofumi Shiramatsu, phó tổng giám đốc Rohto Mentholatum Vietnam, cho biết đây là dây chuyền hiện đại nhất của hãng này trên toàn cầu, ngoài phục vụ thị trường Việt Nam còn xuất khẩu sang nhiều thị trường gồm Mỹ và Nhật.
Công ty trong nước đầu ngành là Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã đầu tư 24 triệu đôla Mỹ cho nhà máy sản xuất thuốc sẽ hoạt động vào năm tới. Korea United Pharma đầu tư tiếp 5 triệu đôla Mỹ cho nhà máy ở Bình Dương sản xuất các sản phẩm từ nhân sâm, Pymepharco cũng đầu tư một nhà máy sản xuất thuốc tiêm…
Thâu tóm qua M&A
Tổ chức nghiên cứu thị trường BMI xếp Việt Nam hạng thứ 13 trong 17 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới về chi tiêu cho dược phẩm và các dịch vụ y tế. Thị trường Việt Nam vì thế trở thành động lực của các hãng muốn mở rộng hoạt động.
Tập đoàn y tế Fortis HealthCare của Ấn Độ đã chi 64 triệu đôla Mỹ để chi phối 65% cổ phần tại công ty y khoa Hoàn Mỹ, trở thành một trong mười thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay. Trong lĩnh vực dược, tính cho đến nay, M&A đều có quy mô nhỏ hơn nhưng lại khá sôi động.
Gần đây hãng dược Stada của Đức đã nắm 49% cổ phần Pymepharco, sau khi chi 25 triệu đôla Mỹ để nhận chuyển nhượng 25% cổ phần từ Wellite International. Trước thương vụ này, Pymepharco đã là nhà sản xuất nhượng quyền của Stada, bên cạnh các hãng khác như Orchid của Ấn Độ; Dawoo Pharm, SamchunDang của Hàn Quốc; Belipharm của Bỉ…
CFR International SPA, một tập đoàn y tế Chile đang muốn đầu tư vào Domexco sau khi các quỹ đầu tư vào công ty này cần chuyển nhượng 36% cổ phần.
Bên cạnh M&A trong cùng lĩnh vực thì các quỹ đầu tư như Pure Heart Value Investment đã gom gần nửa triệu cổ phiếu OPC, các quỹ đầu tư khác cũng tham gia vào các công ty dược như là một thương vụ béo bở bởi dư địa thị trường này còn rất lớn.
Theo khảo sát của StoxPlus, ngành dược thuộc top 5 lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bởi đây là một thị trường tiêu thụ mạnh mẽ. Đa số doanh nghiệp dược trong nước hiện có quy mô nhỏ, dễ dàng thành tầm ngắm của các đối tác khi vào Việt Nam vì họ cần tận dụng kênh phân phối nội địa. Trong giai đoạn thị trường suy giảm hiện nay thì việc M&A cũng giúp họ có được những thương vụ có mức giá tốt hơn.
Theo số liệu của bộ Y tế, cả nước có gần 200 công ty dược nhưng việc sản xuất nhỏ lẻ, trùng lắp về chủng loại, các quy trình công nghệ và quản lý đều lạc hậu. Với xu hướng thị trường dược mà nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến thì các công ty đầu ngành sẽ là sự lựa chọn M&A trong giai đoạn tới. Xu hướng này dự báo về dài hạn sẽ diễn ra việc M&A giữa các doanh nghiệp trong nước nếu muốn tăng năng lực cạnh tranh.