CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - sàn HoSE) thông qua kế hoạch cho đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN vay với giá trị tối đa 230 tỷ đồng.
Được biết, tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta là 3.201,3 tỷ đồng. Như vậy, ước tính giá trị cho vay tối đa là 7,18% tổng tài sản của công ty.
Ngoài ra, tính tới 30/6/2023, Tập đoàn PAN đang sở hữu 50,12% tỷ lệ biểu quyết tại Thực phẩm Sao Ta và đồng thời sở hữu 99,99% vốn tại PAN Food.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 1.032,8 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 76,07 tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,7%, về còn 8,5%.
Được biết, theo dữ liệu SSI iBoard, từ năm 2018 đến năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta chưa bao giờ xuống 8,5%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là năm 2020, Công ty ghi nhận 9,73%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 47% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 77,64 tỷ đồng, về 87,56 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 29,5%, tương ứng giảm 5,61 tỷ đồng, về 13,38 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,5%, tương ứng giảm 5,22 tỷ đồng, về 11,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 76,8%, tương ứng giảm 38,78 tỷ đồng, về 11,69 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 2.041,2 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 124,67 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Thực phẩm Sao Ta đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 128,32 tỷ đồng, Thực phẩm Sao Ta mới hoàn thành 32,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8, cổ phiếu FMC tăng 50 đồng lên 49.050 đồng/cổ phiếu.
Vũ Duy Bắc