ACV nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ với Bamboo Airways và Vietravel Airlines

VNE | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 02 Tháng Tám 2023 10:50:00

Tính đến cuối quý, ACV có tổng 5.541 tỷ đồng các khoản phải thu quá hạn thanh toán khó có khả năng thu hồi tại các doanh nghiệp gồm: Hàng không Tre Việt - Bamboo Airlines; Pacific Airines; Vietravel airlines...

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từng được coi là "ông vua" tiền mặt trên sàn chứng khoán khi có những thời điểm lượng tiền mặt lên đến 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Trong quý 2/2023 vừa qua, lượng tiền mặt của ACV đã giảm nhưng lãi từ việc gửi tiết kiệm vẫn tăng cao.

Báo cáo tài chính quý 2/2023 có nhiều điểm đáng lưu ý dù doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Theo đó, trong kỳ, ACV ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.945 tỷ đồng tăng mạnh so với năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt 2.958 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 1.906 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 442 tỷ đồng năm nay trong khi đó, chi phí tài chính tăng đột biến 440 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng tăng gấp đôi dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.234 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí phát sinh, ACV báo lãi 2.610 tỷ đồng tăng nhẹ không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thuyết minh riêng về chi phí tài chính 440 tỷ đồng, theo ACV, đây là khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá. Tổng nợ phải trả của ACV tính đến cuối kỳ là 16.561 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn tăng từ 382 tỷ đồng đầu năm lên 433 tỷ đồng, vay nợ tài chính 10.903 tỷ đồng tăng khoảng 100 tỷ đồng so với đầu năm.

Các khoản vay của ACV chủ yếu là vay ODA từ Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản để xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất, vay để xây dựng nhà ga T2 Quốc tế Nội Bài.

Một điểm đáng chú ý khác là các khoản nợ xấu khó có khả năng thu hồi. Theo đó, tính đến cuối quý 2, ACV có tổng 5.541 tỷ đồng các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi tại các doanh nghiệp gồm: Hàng không Tre Việt - Bamboo Airlines 1.435 tỷ đồng; Hàng không Pacific Airines 683 tỷ đồng; Hàng không Lữ Hành Việt Nam - Vietravel airlines 166,7 tỷ đồng, Air Mekong 26 tỷ đồng...

Hiện, ACV đang phải trích lập dự phòng gần 2.000 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.

ACV có nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng với các hãng hàng không. 
ACV có nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng với các hãng hàng không. 

Về phía Bamboo Airways, năm 2022, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu thuần hơn 11.732 tỉ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỷ đồng trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm mạnh chỉ còn hơn 121 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu âm 835 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên 1.406 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ hơn 158 tỷ đồng. Chủ yếu là hãng bay trong năm qua đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng.

Đây là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng trong năm 2022. Lỗ luỹ kế gần 19.336 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, hãng bay này cũng lỗ 2.281 tỷ đồng.

Tại báo cáo ngày 31/12, tổng tài sản của Bamboo Airways hơn 18.000 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền khoảng 85 tỷ đồng, giảm tới 92,4% so với hồi đầu năm là gần 1.123 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.844 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay ở mức 10.623 tỷ đồng, tăng 5.830 tỷ đồng, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn. Phải trả người bán ngắn hạn 3.806 tỷ đồng tăng 800 tỷ đồng so với con số đầu năm 2022.

Kiều Linh