Liên tục trúng thầu dự án đầu tư công ngàn tỷ - Ai là chủ của Vinaconex?

Báo Đầu tư | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 27 Tháng Bảy 2023 09:55:00

Vinaconex đang nổi lên là một trong những doanh nghiệp hàng đầu sẽ được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công của nhà nước.

“Ngôi sao” hưởng lợi đầu tư công

Trong số các doanh nghiệp xây lắp, Tổng công ty xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đang có nhiều sự chú ý từ dư luận. Bởi trong năm 2022, tổng giá trị trúng thầu trong toàn hệ thống Vinaconex ở riêng mảng hoạt động xây lắp đạt trên 11.000 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ là trên 9.700 tỷ đồng.

Vinaconex cũng là doanh nghiệp đang thực hiện nhiều gói thầu có giá trị lớn trên cả nước, đồng thời tiếp tục tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia cũng như các công trình có vốn FDI quy mô lớn...

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã trúng thầu nhiều dự án lớn. Có thể kể đến như gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1 - Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Giá trị trúng thầu 1.816 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm; gói thầu 03-XL thuộc cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1), với giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng.

Trước đó, Vinaconex vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 bao gồm: Gói thầu XL04 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giá trị 3.225 tỷ đồng); Gói thầu số 14-XL đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 (giá trị gần 2.500 tỷ đồng); Gói thầu 03-XL đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (giá trị gần 2.300 tỷ đồng).

Cuối năm 2022, Vinaconex trúng gói thầu thi công xây lắp Dự án thành phần 1, đoạn Km11+240 - Km26+500 thuộc Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công) với tổng mức đầu tư 2.056,76 tỷ đồng.

Vinaconex cũng đang triển khai một số gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 như: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (giá trị 6.000 tỷ đồng); gói thầu XL01 đoạn Vũng Áng - Bùng (giá trị 3.900 tỷ đồng) hay gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (giá trị 3.500 tỷ đồng).

Không chỉ trúng thầu hàng loạt cộng trình dự án thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng, Vinaconex cũng đang tham vọng nhảy vào miếng bánh xây dựng dân dụng, khi tham chiến cuộc đấu thầu nhà ga sân bay Long Thành - phân khúc dành cho nhà thầu dân dụng.

Thông tin mới đây cho thấy, Vinaconex là doanh nghiệp nằm trong liên danh VIETUR dẫn đầu là đơn vị IC ISTAS (thành viên của IC Holding Thổ Nhĩ Kỳ) tham gia gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng của sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Trước đó, trong dự án thành 3 của sân bay Long Thành giai đoạn 1, Vinaconex  cũng đã trúng thầu 3 gói là gói 2.4, gói 3.4 và gói 5.6, trong đó có hai gói có giá trị lớn, với gần 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra theo một số thông tin, hiện Vinaconex cũng đang nộp thầu thêm nhiều hạng mục khác ở dự án trọng điểm quốc gia này như; Đường cất hạ cánh với giá trị gói thầu gần 7.000 tỷ đồng hay các hạng mục khác như sân đỗ, tháp điều khiển không lưu…

Vinaconex do ai sở hữu và đang kinh doanh ra sao?

Vinaconex được thành lập năm 1988, tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, đến năm 2006, doanh nghiệp này đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối. 

Năm 2008, cổ phiếu của Tổng công ty chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã VCG. Kể từ đây, Tổng công ty định hướng phát triển tập trung vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, hoàn thiện phương thức quản lý, điều hành. 

Năm 2018, thực hiện chủ trương của Chính phủ, hoàn tất việc thoái vốn toàn bộ tại Tổng công ty. VINACONEX chính thức trở thành doanh nghiệp không còn vốn nhà nước. Hai năm sau đó, cổ phiếu VCG chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng. 

Theo báo cáo thường niên 2022, cơ cấu cổ đông của Vinaconex có một cổ đông lớn duy nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Pacific Holdings, sở hữu hơn 305,6 triệu cổ phiếu, tương đương 62,9% vốn điều lệ công ty. Phần còn lại đến từ các cổ đông nhỏ.

Trước đó vào cuối năm 2018, Công ty TNHH An Quý Hưng đã mạnh tay chi 7.366 tỷ đồng để mua lại 57,71% vốn Vinaconex trong đợt thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước - SCIC. Trước khi chuyển vốn góp vào Pacific Holdings, nhóm An Quý Hưng đã tăng sở hữu tại Vinaconex lên mức 62,9%.

Đặc biệt, dàn lãnh đạo cao cấp của công ty như ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Xuân Đông, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, ông Nguyễn Hữu Tới, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc và bà Trần Thu Hồng, Thành viên độc lập HĐQT đều không sở hữu cổ phiếu của công ty. Duy nhất ông Dương Căn Mậu, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực nắm 11.990 cổ phần (0,00247%).

Chủ tịch Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh được biết đến là cha đẻ, Tổng giám đốc dự án Ecopark - thành phố xanh lớn nhất miền Bắc. Trong khi ông Nguyễn Xuân Đông, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinaconex lại là Chủ tịch An Quý Hưng, công mẹ của Công ty cổ phần Đầu tư Pacific Holdings.

An Quý Hưng được thành lập năm 2001 có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do ông Nguyễn Xuân Đông nắm 70% vốn và vợ (Đỗ Thị Thanh) nắm 30% vốn.

Công ty TNHH An Quý Hưng là công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại miền Bắc, bất động sản và nhiều lĩnh vực khác với 3 công ty thành viên: công ty công nghệ vật liệu mới, công ty cổ phần truyền thông I-LanD, công ty bất động sản AQH-LAND.

Quay lại câu chuyện kinh doanh của Vinaconex, theo Báo cáo tài chính quý I/2023, hoạt động chính của Vinaconex là đầu tư và kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng dịch vụ (hạ tầng khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, phát điện, giáo dục...). Vinaconex có 9 đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Vinaconex có 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính, 20 công ty có vốn góp chi phối.

Về hoạt động kinh doanh, Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến bằng 92% thực hiện năm 2022, tức đạt 860 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ, Vinaconex kỳ vọng tổng doanh thu công ty mẹ đạt 10.270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 345 tỷ, tăng lần lượt 25% và 22% so với năm 2022.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2023, ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.965 tỷ đồng, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo khi mang về 1.378 tỷ đồng (tăng 55%) hoạt động cho thuê, cung cấp dịch vụ 225 tỷ đồng, doanh thu sản xuất công nghiệp 148 tỷ đồng và doanh thu kinh doanh bất động sản 139 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 736,5 tỷ đồng về còn 93 tỷ đồng, chủ yếu do không còn 598 tỷ đồng khoản lãi do mua rẻ công ty con. 

Lợi nhuận ở mức 315 tỷ đồng. Với các chi phí hoạt động duy trì ở mức cao, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 19 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 780 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.

Nhận định về năm 2023, ban lãnh đạo Vinaconex cho biết, lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Trong đó các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt. Đối với hoạt động xây dựng, công ty sẽ cố gắng gia tăng thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, nhất là các dự án có vốn đầu tư công...

Anh Hoa