Dư nợ cho vay chứng khoán 8 tháng ước giảm 43%

Gafin | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 07 Tháng Chín 2011 13:05:00

Theo NHNN, 8 tháng, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10% và dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23%.

Theo thông cáo báo chí triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm ngành ngân hàng được công bố sáng nay của ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán và tín dụng 8 tháng đầu năm 2011 tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Theo đó, đến 30/8, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,16% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 19,87% và 16,41% của cùng kỳ năm 2009 và 2010.

Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,85% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức 16,9% cùng kỳ năm 2010 nhưng bằng khoảng 50% tốc độ tăng tín dụng dự kiến cả năm 2011 (khoảng 15-18%). Tuy nhiên, theo thống đốc Nguyễn Văn Bình tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, ngày 1/9, tăng trưởng tín dụng thực 8 tháng đạt 11,7%, đạt hơn 65% ước cả năm 2011 là 18%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng thực của nền kinh tế năm nay không thấp hơn trung bình các năm trước.

Tính dụng với sản xuất, cụ thể là nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, tín dụng phi sản xuất, bao gồm cho vay chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng, giảm mạnh.

Cụ thể, ước đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,8%, trong đó tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng xuất khẩu tăng 35%. 

Tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%, trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,1%. 

Hiện nay, lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp hơn các mức lãi suất điều hành của NHNN, qua đêm ở mức 10,5-11%/năm, 1-2 tuần 11-13%/năm. Đến cuối tháng 8/2011, một số tổ chức tín dụng hạ lãi suất đối với một số khoản cho vay sản xuất kinh doanh thông thường trong biên độ 17-19%/năm. 

Thanh khoản VND căng thẳng trong 4 tháng đầu, nhưng từ nửa cuối tháng 5/2011 đến nay đã được cải thiện đáng kể do huy động vốn ngắn hạn VND tăng trở lại, tín dụng VND có xu hướng giảm. Tín dụng bằng ngoại tệ tăng trưởng cao nhưng vẫn được cân đối bằng nguồn vốn vay nước ngoài, theo thông cáo.