Sông Đà 1.01: Khi doanh nghiệp làm mồi ngon cho lướt sóng cổ phiếu

Báo Đầu tư | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 10 Tháng Bảy 2023 14:01:00

Thay vì cơ cấu giúp doanh nghiệp vượt khó, nhóm cổ đông mới điều hành Sông Đà 1.01 lại chủ yếu mua bán cổ phiếu lướt sóng.

Đại hội không thể tổ chức thành công do cổ đông không tham dự đủ tỷ lệ

Mặc dù giao dịch chui cổ phiếu CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC) và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 245 triệu đồng, nhưng ông Phạm Khánh Phương vẫn khẳng định, bộ phận pháp chế có làm thủ tục đăng ký chào mua công khai, nhưng chậm trễ, không cố tình gian lận và giao dịch chui cổ phiếu.

Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/12/2022 đã có đại diện 3.797.728 cổ phần, chiếm 54,8% tổng số cổ phần đang lưu hành tham dự và đủ điều kiện tiến hành Đại hội. Công ty đã bầu lại danh sách thành viên HĐQT gồm bà Vũ Thị Thúy (Chủ tịch), ông Phạm Khánh Phương, ông Nguyễn Văn Đức, ông Trịnh Văn Tôn và ông Tạ Văn Trung.

Tuy nhiên, sau đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra ngày 28/6/2023, Sông Đà 1.01 chỉ ghi nhận 4 cổ đông tham dự, chiếm 10,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, dẫn tới Đại hội đã không đủ điều kiện tiến hành.

Trong khi đó, giá cổ phiếu SJC biến động khá bất thường, đặc biệt trong giai đoạn ông Phạm Khánh Phương mua vào và bán ra cổ phiếu liên tục trong gần 1 năm trở lại đây. Cụ thể, từ ngày 25/8/2022 đến ngày 12/1/2023, cổ phiếu SJC tăng 8,79 lần, từ 1.900 đồng lên 18.600 đồng/cổ phiếu; từ ngày 12/1 đến ngày 5/4/2023, cổ phiếu SJC giảm 75,8% giá trị, về 4.500 đồng/cổ phiếu; từ ngày 5/4 đến 30/6, cổ phiếu SJC bật tăng 2,22 lần, lên 14.500 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục giao dịch ở vùng giá cao trong hơn 1 năm trở lại đây.

Về giao dịch cổ phiếu, ngày 28/10/2022, ông Phạm Khánh Phương bất ngờ gom 3.155.718 cổ phiếu SJC để nâng sở hữu từ 0% lên 45,51% vốn điều lệ (không đăng ký chào mua công khai và bị UBCKNN buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm); ngày 18/11/2022 tiếp tục gom thêm 66.800 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 46,65% vốn điều lệ; bất ngờ ngày 25/11/2022 lại bán ra 1.631.622 cổ phiếu để giảm sở hữu về 23,12% vốn điều lệ; tới ngày 9/12/2022, ông Phương mua thêm 65.400 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 24,26% vốn điều lệ.

Tương tự, một nhà đầu tư cá nhân khác là bà Vũ Thị Thúy ngày 9/12/2022 đã mua vào 1.631.622 cổ phiếu (mua bằng lượng ông Phương bán ra cùng phiên giao dịch) để nâng sở hữu từ 0% lên 23,53% vốn điều lệ và tới ngày 31/3/2023 đã thoái ra toàn bộ.

Thêm nữa, ngày 31/3/2023, hai tổ chức là CTCP Đầu tư Nam Nhật Khang mua vào 881.600 cổ phiếu, nâng sở hữu lên 14,69% vốn điều lệ; CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (bà Vũ Thị Thuý là đại diện pháp luật) mua vào 700.000 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 10,18% vốn điều lệ. Trong đó, số lượng hai tổ chức mua vào bằng lượng cổ phiếu mà bà Vũ Thị Thúy bán ra trong ngày 31/3/2023.

Như vậy, ban đầu, ông Phạm Khánh Phương gom vào 45,51% và trở thành cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01 khi không thực hiện chào mua công khai, sau đó bán lại một phần cho bà Vũ Thị Thúy, bà Thúy tiếp tục bán lại cho Đầu tư Nam Nhật Khang và Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam.

Như vậy, sau khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, gồm ông Phạm Khánh Phương, bà Vũ Thị Thúy, nhóm cổ đông này đã tham gia Hội đồng Quản trị và đang điều hành Công ty mà không thực hiện chào mua công khai.

Sông Đà 1.01 có nhiều vấn đề đáng quan tâm

Tiền thân của Sông Đà 1.01 là Xí nghiệp Sông Đà 1.01 thuộc CTCP Xây dựng Sông Đà 1. Sau khi thi công nhiều dự án xây dựng của Tập đoàn Sông Đà, năm 2013, đơn vị này đã chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản.

Trong những năm trở lại đây, Sông Đà 1.01 vẫn chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán, nên cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Mới đây nhất, trong Báo cáo tài chính tự lập quý IV/2022, Sông Đà 1.01 ghi nhận tổng tài sản 1.624,7 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho ghi nhận 1.388,6 tỷ đồng, chiếm 85,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 126,2 tỷ đồng, chiếm 7,8% tổng tài sản; tiền mặt chỉ 15,7 tỷ đồng… Ngược lại, phần nguồn vốn ghi nhận nợ vay ngắn hạn lên tới 511,2 tỷ đồng, doanh thu chưa thực hiện dài hạn 698,5 tỷ đồng…

Sông Đà 1.01 đang gặp nhiều vấn đề chưa xử lý, dự án triển khai chậm tiến độ, nợ vay lớn, tiền mặt hạn chế và khó tiếp cận nguồn vốn mới. Trong khi đó, nhóm cổ đông mới tham gia vẫn chưa thấy động thái “bơm” vốn vào Công ty, mà chủ yếu là lướt sóng cổ phiếu trong thời gian ngắn.

Duy Bắc