Giảm lãi suất: Năm rủi ro cần tính đến

TBKTSG | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 01 Tháng Chín 2011 14:59:00

Lãi suất cao cùng với việc khó tiếp cận vốn đã làm cho nhiều DN hết sức khó khăn. Vì vậy, giảm lãi suất được các thành phần kinh tế mong đợi. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng có thể để lại nhiều hệ quả nếu nó không được xem xét một cách cẩn trọng.

Cơ sở giảm lãi suất là “hạn mức” tăng trưởng tín dụng còn lớn?

Ngày 26-8-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cuộc họp với lãnh đạo 12 ngân hàng lớn tại Hà Nội về chủ đề giảm lãi suất. Theo đó, các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ giữa tháng 9-2011.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thống đốc NHNN đã có ý kiến kết luận về chín giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong bốn tháng cuối năm, trong đó có ba nội dung liên quan đến các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu giảm lãi suất.

Thứ nhất, trong bốn tháng cuối năm, tùy theo diễn biến thị trường, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, NHNN tiếp tục giữ ổn định mức trần lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng 14%/năm và trần lãi suất ngoại tệ để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

Thứ ba, NHNN ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13 và 19/2010/TT-NHNN nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường I và thị trường II, giữa TCTD thừa và TCTD thiếu vốn. Những giải pháp này nhằm khơi thông và giải phóng vốn cho các ngân hàng để giảm chi phí và tăng cung tiền cho nền kinh tế, giúp các TCTD thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.

Nội dung của thông báo nói trên cho thấy NHNN đang rất quyết tâm trong vấn đề giảm lãi suất. Điều này là có cơ sở khi mà tăng trưởng tín dụng trong tám tháng vừa qua mức chưa đến 8%, thấp hơn rất nhiều so với mức giới hạn 20% cho cả năm. Do vậy, trong bốn tháng tới các ngân hàng thương mại có thể tăng cường cho vay và NHNN có thể hỗ trợ vốn cho các ngân hàng mà vẫn đảm bảo tăng trưởng tín dụng trong phạm vi cho phép.

Năm rủi ro cần tính đến

Trong thời gian qua lãi suất cao cùng việc khó tiếp cận vốn đã góp phần làm cho nhiều doanh nghiệp hết sức khó khăn. Vì vậy, giảm lãi suất được tất cả các thành phần kinh tế mong đợi. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng có thể để lại nhiều hệ quả nếu nó không được xem xét một cách cẩn trọng.

Thứ nhất, để giảm lãi suất, NHNN có thể buộc phải bơm tiền vào nền kinh tế. Điều đó sẽ làm cho áp lực lạm phát sẽ quay trở lại do cung tiền tăng và kỳ vọng của người dân về lạm phát trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay lạm phát vẫn đang ở mức rất cao và lòng tin của người dân suy giảm. 

Thứ hai, mặc dù lãi suất hiện tại phản ánh kỳ vọng lạm phát trong tương lai nhưng kỳ vọng này lại phụ thuộc rất nhiều vào những gì đã diễn ra trong quá khứ. Do vậy, việc đưa lãi suất cho vay về thấp hơn lạm phát hiện tại là công việc không dễ dàng. Hơn nữa, hiện nay lạm phát mới có dấu hiệu tăng chậm lại chứ thực tế vẫn đang ở mức rất cao. Lạm phát nhiều khả năng tiếp tục duy trì ở mức trên 20%, ít nhất cho đến cuối năm.

Thứ ba, nếu lãi suất cho vay thực sự giảm sẽ khiến cho tăng trưởng tín dụng nhanh hơn trong thời gian tới. Trong khi đó, tăng trưởng vốn huy động vẫn ở mức rất thấp. Điều này có nghĩa là, chênh lệch giữa huy động và cho vay càng được nới rộng. Sự chênh lệch giữa huy động và cho vay vừa tác động lên việc giảm lãi suất vừa làm cho tính an toàn của hệ thống tài chính suy giảm.

Thứ tư, nếu lãi suất giảm sẽ gây sức ép cho mất giá của đồng nội tệ do chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ bị thu hẹp. Ngoài ra, việc bơm tiền vào nền kinh tế cũng trực tiếp làm cho đồng nội tệ mất giá. Mới đây, NHNN vừa quyết định tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 1%, nhằm giảm sức hấp dẫn của đồng ngoại tệ tuy nhiên điều này có thể không đủ để giữ tỷ giá ổn định nếu lãi suất nội tệ giảm.

Thứ năm, việc NHNN chưa áp dụng một số quy định trong Thông tư 13 và 19 có thể làm suy giảm lòng tin của người dân đối với việc thực thi các chính sách.

Thiết nghĩ, giảm lãi suất là một chủ trương đúng đắn nhưng nó phải dựa trên cơ sở thực tế tuần thủ các quy luật trong nền kinh tế. Việc can thiệp mạnh tay vào thị trường để giảm lãi suất một cách đột ngột có thể để lại nhiều hệ quả khó lường. Bản thân người viết cho rằng, lãi suất không phải là chìa khóa tốt nhất để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp và bất ổn vĩ mô hiện nay. Dài hạn, các doanh nghiệp và người dân cần một nền kinh tế có lạm phát thấp, tỷ giá tương đối ổn định và các chính sách vĩ mô minh bạch nhất quán. Để làm được điều này cần phải tăng hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế bằng cách cải thiện chất lượng thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.