Moody's: Triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam không tích cực

Bloomberg | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 01 Tháng Chín 2011 14:28:00

Moody’s Investors Service hôm nay đưa ra nhận định triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 12 – 18 tháng tới duy trì ở mức tiêu cực, xuất phát từ những lo ngại về sụt giảm lợi nhuận và chất lượng nợ xấu.

Sự mất cân bằng kin tế nội địa đã tạo ra rủi ro cho chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng như khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn, báo cáo của Moody’s có ghi. Chất lượng tài sản tại các ngân hàng hiện nay “xấu hơn nhiều” những dữ liệu được đưa ra trong các con số nợ xấu ở các báo cáo chính thức. Moody’s cũng lưu ý rằng một số đơn vị đã bắt đầu giảm lượng tiền gửi do những khó khăn trong việc tái cấp vốn và doanh thu suy yếu.

Việt Nam đang chật vật kiểm soát lạm phát ở tốc độ nhanh nhất khu vực Châu Á bên cạnh việc phải đối mặt với sự chậm lại trong tăng trưởng và tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài. Nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương do chịu ảnh hưởng từ những hậu quả rủi ro hệ thống, một phần xuất phát từ việc thiếu vốn của một số ngân hàng và sự suy giảm trong lợi nhuận của doanh nghiệp, Credit Suisse Group AG đã đưa ra nhận xét trong tuần này.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam nhận định “Ngân hàng Nhà nước đang gia tăng những quy định đối với các ngân hàng và NHNN đang chuẩn bị đối phó với những ngân hàng không tuân thủ đúng định hướng của mình. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự liên kết trong ngành.”

Chất lượng tài sản đang xấu đi và tăng trưởng tín dụng bắt đầu chậm lại sau khi các khoản cho vay phình to một cách nhanh chóng trong hai năm qua, Karolyn Seet thuộc Moody’s nhận định. Tín dụng của các ngân hàng đã tăng 28% trong năm 2010 và ngân hàng trung ương đã giới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay chỉ dừng ở mức 20% để đối phó với tình hình lạm phát.

Theo báo cáo này của Moody’s, “Sự kết hợp giữa việc giảm sút chất lượng tài sản và khả năng huy động vốn đã tạo ra sự sụt giảm niềm tin ngày càng lớn và dẫn tới cuộc chạy đua huy động tiền gửi cũng như từ các nguồn khác một cách căng thẳng và hậu quả không thể tránh được là tác động thu hẹp lợi nhuận biên.”

Theo Karolyn Seet, đang xuất hiện một “xu hướng khó khăn” theo hướng tín dụng ngoại tệ gia tăng, có thể đẩy bên đi vay nợ vào những rủi ro tái cấp vốn nếu tỷ giá có biến động.

Mooy’s đã giữ triển vọng tiêu cực đối với mức xếp hạng B1 của Việt Nam. Những rủi ro trong hoạt động quản trị và chiến lược của các ngân hàng tại Việt Nam đã bị cản trở bởi những chính sách thiếu nhất quán do những nỗ lực cùng lúc kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ.

 

Anh Đặng