Ngày 7/4 tới, Petrolimex chính thức đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu PG Bank

VNE | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 03 Tháng Tư 2023 17:24:00

PLX vừa công bố thông tin chi tiết về việc thoái vốn 40% cổ phần, tương đương 120 triệu cổ phiếu tại PG Bank (PGB).

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX-HOSE) thông báo về việc bán đấu giá cổ phiếu công khai qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Theo đó, PLX vừa công bố thông tin chi tiết về việc thoái vốn 40% cổ phần, tương đương 120 triệu cổ phiếu tại PG Bank (PGB).

Cụ thể, việc thoái vốn sẽ được thực hiện thông qua đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào lúc 9h00 ngày 07/4/2023. Giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu do HĐQT của PLX phê duyệt ngày 02/02/2023.

Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ ngày 10/3 đến ngày 30/3 và thời gian thanh toán tiền mua cổ phần từ ngày 8/4 đến ngày 17/4/2023.

Tính đến ngày 30/12/2022, tổng giá trị tài sản của PGB là 49 nghìn tỷ đồng với giá trị sổ sách/cổ phiếu là 15.285 đồng. Thu nhập lãi thuần năm 2022 của ngân hàng này là 1,2 nghìn tỷ đồng (+22% YoY) và EPS là 1.349 đồng/cổ phiếu (+54% YoY).

Được biết, trong năm 2023, PGB đặt kế hoạch thu nhập lãi thuần đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (+17,3% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 424 tỷ đồng (+4,9% YoY), tương ứng EPS kế hoạch là 1.414 đồng/cổ phiếu (+4,8% YoY).

Theo BCTC hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, PLX ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.902 tỷ đồng, giảm gần 1.222 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 (3.124 tỷ đồng).

Theo giải trình từ PLX, theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán của Tập đoàn, mặc dù lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác ngoài kinh doanh xăng dầu tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế họp nhất năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2022 phát sinh lỗ.

Trong năm 2022 hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu ảnh hưởng do diễn biến bất thường của giá xăng dầu thế giới cũng như từ nguồn cung tại thị trường trong nước; cụ thể: trong quý 1/2022 nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất, không đáp ứng được sản lượng cam kết theo các họp đồng (dài hạn) đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; giá xăng dầu thế giới biến động bất thường do chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Vì vậy, nhiều thời điểm áp lực về nhu cầu xăng dầu đổ dồn sang Petrolimex - doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối tại thị trường trong nước. Do đó, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung và đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Petrolimex phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tăng lượng nhập khẩu tức thời với mặt bằng giá đang ở mức cao từ các nhà cung cấp khác trên thị trường.

Bên cạnh đó, một số thời điểm trong năm 2022 chi phí thực tế khâu tạo nguồn, khâu lưu thông các mặt hàng xăng dầu của doanh nghiệp tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở. Các yếu tố tác động chung đã làm cho biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu cả năm 2022 giảm so với cùng kỳ 2021.

Qua đó, theo BCTC đã kiểm toán của Công ty mẹ lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt hơn 863 tỷ giảm so với cùng kỳ (1.637 tỷ đồng) là do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh xăng dầu đã nêu ở trên.

Do đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính PLX có thể ghi nhận lợi nhuận ròng bổ sung là 578 tỷ đồng – tương đương khoảng 18% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS năm 2023 – nếu PLX thực hiện thành công giao dịch này với giá 21.300 đồng/cổ phiếu. Qua đó, VCSC hiện có khuyến nghị "phù hợp thị trường" cho PLX với giá mục tiêu là 38.400 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên ngày 3/4, giá cổ phiếu PLX tăng nhẹ lên mốc 37.500 đồng/cổ phiếu và giá cổ phiếu PGB tăng 600 đồng lên 22.400 đồng/cổ phiếu và tăng 3.500 đồng/cổ phiếu so với giá đóng cửa của PGB ngày 07/03/2023 là 18.900 đồng/cổ phiếu.

Hà Anh