Việt Nam được các hãng nước ngoài đánh giá là “thị trường thâm dụng IT” với quy mô chi tiêu lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng hàng năm, nhưng vẫn không thể là miếng bánh ngon cho các nhà cung cấp trong nước.
Hầu hết các công ty trong các ngành đặc thù như tài chính, thuế, dầu khí, viễn thông… và các tập đoàn lớn đều đang sử dụng phần mềm nước ngoài. Chi phí đầu tư phần mềm lõi (corebank), các phần mềm dịch vụ vệ tinh và hạ tầng phần cứng tại một ngân hàng tầm trung ở Việt Nam phải 10 triệu đôla Mỹ, cao hơn tổng doanh thu mà các doanh nghiệp phần mềm trong nước đạt được trong một năm.
Việt Nam được các hãng nước ngoài đánh giá là “thị trường thâm dụng IT” với quy mô chi tiêu lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng hàng năm, nhưng vẫn không thể là miếng bánh ngon cho các nhà cung cấp trong nước.
Sàng lọc khắc nghiệt
Nếu tính từ năm 2000, thời điểm phát triển mạnh nhất của đội ngũ doanh nghiệp phần mềm trong nước với hàng trăm nhà phát triển sản phẩm, thì đến nay Việt Nam vẫn chưa thể có được doanh nghiệp thật sự mạnh để dẫn dắt thị trường này. Đa số doanh nghiệp đã rút lui khỏi cuộc chơi và chuyển sang làm đối tác thương mại cho các hãng nước ngoài, đi vào phân khúc hẹp như cung ứng cho khối doanh nghiệp nhỏ, số nhiều là rút lui khỏi thị trường.
Cho đến nay số ít sản phẩm trụ được chủ yếu là phần mềm về kế toán – quản lý cho doanh nghiệp nhỏ, quản lý hồ sơ dữ liệu cho các cơ quan ban ngành, quản lý bệnh viện… Một số doanh nghiệp nổi bật quanh đi quẩn lại cũng chỉ Fast, Misa, Diginet, Lạc Việt, BKAV, FPT, Vietsoftware… Nỗ lực rất lớn của họ cũng mới cho ra những thành quả rất nhỏ hẹp trên quy mô thị trường đang tăng nhanh.
Một doanh nghiệp thừa nhận sự thua kém của doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều mặt: đi sau về công nghệ, yếu khả năng tài chính, thiếu chính sách khuyến khích đầu tư cho công nghệ của Nhà nước làm động lực phát triển dài hạn. Nếu có được một sản phẩm tốt cũng khó trụ được vì cần chi phí dài hạn, trong khi thị trường khắc nghiệt vì công nghệ thường xuyên thay đổi. Mặt khác, các giải pháp nước ngoài vốn ưu thế về tích hợp sự am tường các nghiệp vụ chuyên ngành, khả năng tài chính mạnh để duy trì dịch vụ hậu mãi và phương thức cung cấp rất đa dạng…
Khó khăn trăm bề
Ở thị trường thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài dẫn đầu là điều dễ hiểu. Nhưng ở thị trường công, vốn được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp trong nước vì nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp, từng địa phương hay cơ quan, là nơi các phần mềm nước ngoài khó thể đáp ứng, thì các doanh nghiệp phần mềm trong nước cũng... chào thua! Các dự án trì trệ và khó thu hồi vốn khiến việc kinh doanh không hiệu quả. Hiện tại, cơ chế đầu tư không xem phần mềm như là một dịch vụ làm cho doanh nghiệp không thấy được cơ hội phát triển nên đi tìm phân khúc khác.
Theo TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông, việc đầu tư cho phần mềm là rủi ro cao và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực. Một khi tham gia họ phải nhìn thấy được các định hướng thị trường mới chấp nhận rủi ro cho các chiến lược đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và dài hạn. Sở dĩ có sự khập khiễng ở khu vực công là do các dự án công nghệ thông tin được xem là một sản phẩm định mức như các dự án xây dựng cơ bản. Trong khi đó phần mềm là sản phẩm sáng tạo mang tính công nghệ và dịch vụ. Điều này khiến quy trình đầu tư khó khăn, các dự án thường ngắn hạn làm tăng rủi ro cho cả hai bên.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc trung tâm an ninh mạng BKAV, hơn mười năm qua là giai đoạn dài các doanh nghiệp loay hoay trong các phân khúc thị trường. Một doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển không dễ vì mọi thứ đều không thuận lợi, từ đào tạo đội ngũ năng lực, có quy trình riêng cho đến công nghệ, thị trường. Các quy trình phát triển doanh nghiệp đã không thể trông chờ được những quy trình khác trong xã hội. Bao nhiêu chương trình và chính sách, dự án trong ngành công nghệ thông tin nhà nước đã không “chạy”.
“Miếng bánh công” chưa là hiện thực
Theo ông Quảng, thực tế cho thấy các cơ quan nhà nước có thể duyệt mua phần mềm hàng tỉ đồng nhưng việc sử dụng không tính đến giá trị về dịch vụ, xem phần mềm như điện, nước hay internet. Cơ chế này không khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất ở khu vực này mà quay ra tìm khối khách hàng doanh nghiệp và cá nhân để giảm rủi ro kinh doanh. Ở thị trường này, so với mười năm trước các doanh nghiệp trong nước vẫn không có nhiều thuận lợi dù dự án đã phong phú hơn nhiều. “Khai thác thành công lĩnh vực công vẫn chưa thể thành hiện thực. Điều này cho thấy thị trường dù lớn cũng không đồng nghĩa với việc có thêm cơ hội, đó là lý do vì sao sản phẩm trong nước đến nay vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.
Theo TS Trần Lương Sơn, tổng giám đốc công ty Vietsoftware, nếu không thay đổi cách nhìn về đầu tư và ứng dụng phần mềm thì dù thị trường công có quy mô hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm vẫn không phải là bến đậu cho doanh nghiệp phần mềm trong nước. Việc tiếp cận dự án vốn đã quá khó khăn trong khi đầu tư lại nhiều rủi ro.
Bởi không thấy rõ tiềm năng lâu dài và ổn định nên số doanh nghiệp tham gia ở thị trường này ngày càng giảm sút, chưa kể phần mềm lại là một hệ thống phức tạp, không phải sản phẩm đơn thuần muốn mua mới rất dễ.
Vì thế, rủi ro của các dự án không chỉ riêng đối với doanh nghiệp mà cho cả các hệ thống công nghệ thông tin ở các cơ quan nói chung. Việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước thường được triển khai theo dự án, làm thì vừa bập bõm vừa phức tạp và nhiều vấn đề... Do chi tiêu ở thị trường nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nên tình trạng này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành.
Trong dự thảo chương trình phát triển công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, bộ Thông tin và truyền thông đã đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam và có các giải pháp khuyến khích các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT đầu tư vào ngành phần mềm. Các văn bản mà bộ tham mưu đưa ra đã đề cập đến việc tạo thị trường công rộng lớn để doanh nghiệp Việt Nam có “sân” phát triển.
Trên thực tế, từ sau dự án 112 đến nay, ngành công nghệ thông tin chưa có dự án nào đáng kể. Theo các chuyên gia quốc tế, để có được một sản phẩm phần mềm theo kịp thị trường thương mại và cạnh tranh ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần ít nhất mười năm nghiên cứu phát triển cùng với nhiều yếu tố thuận lợi khác như môi trường pháp lý, bản quyền, nhu cầu thị trường để phát triển và hoàn thiện. Nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã đi đủ chặng đường này nhưng chưa thấy lối ra.