Tuy mới chỉ trải qua hơn nửa tháng đầu năm 2018 nhưng con số 6 chiếc xe du lịch được thông quan trên cả nước đã cho thấy thị trường ô tô Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Hàng loạt ông lớn “án binh bất động”
Nếu như trong tháng 12/2017, cả nước nhập khẩu 13.648 chiếc, tổng trị giá 360 triệu USD. Đáng chú ý, 15 ngày cuối tháng 12, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về lên tới 6.599 xe, trong đó riêng ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt 2.866 chiếc. Riêng tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM), trong tháng 12 có tới 1.600 ô tô dưới 9 chỗ ngồi và xe bán tải nhập về.
Thì đến công bố mới đây của Tổng cục Hải quan lại cho thấy, 15 ngày đầu của tháng 1/2018, cả nước nhập về chỉ 60 chiếc ô tô các loại. Trong đó, số ô tô dưới 9 chỗ vỏn vẹn 6 chiếc. Điều đáng nói, 6 chiếc ô tô này không được nhập về với mục đích thương mại mà khả năng cao được đưa về dưới dạng quà tặng hoặc thuộc diện xe ngoại giao. Như vậy, so với 15 ngày đầu của tháng 1/2017, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm tới 83%.
Cùng với đó, theo Nikkei Asian Review, sau khi cả Honda và Toyota đưa ra thông báo tạm dừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, thì các hãng xe Ford, Nissan và Mitsubishi cũng lần lượt thông báo tạm dừng.
Trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) qua điện thoại, phóng viên được biết nguyên nhân chính của hiện tượng này là do những điều khoản nghiêm ngặt của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, không phải đến bây giờ các hãng mới tạm dừng nhập khẩu xe về Việt Nam, việc này đã được thực hiện từ tháng 10/2017, ngay sau khi Nghị định 116 của Chính phủ được ban hành.
Bởi Nghị định 116 có quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và đây là mấu chốt của việc có thể đưa xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, hầu hết các xe nhập khẩu của các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang sản xuất ở Thái Lan, Indonesia đáp ứng yêu cầu nội địa hóa 40% để nhập khẩu về Việt Nam đầu năm 2018, nhằm hưởng thuế nhập khẩu về 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Chẳng hạn như Ford Ranger, Ford Focus, Toyota Fortuner, Toyota Camry, Corrolla Altis, Toyota Yaris, Honda CR-V, Honda City, Honda Civic, Nissan Sunny, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Mistubishi Pajero,...
Duy chỉ có các dòng xe châu Âu dù có nhà máy ở hai nước này nhưng họ không đầu tư mạnh nên không đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%. Tuy nhiên, với các quy định phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, thử nghiệm đối với từng lô xe NK khiến các xe này chưa đủ điều kiện để nhập về dịp đầu năm 2018. Cũng phải nói thêm, các hãng xe Nhật tại Thái Lan, Indonesia hiện chiếm lĩnh gần 2/3 thị trường Việt Nam, với lượng xe nhập khẩu tương đương 74% tổng lượng xe từ các nước đổ về Việt Nam.
Nguyên nhân được đa số các thành viên VAMA đưa ra, không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. “Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ nội địa nước đó mà thôi, chứ không có chức năng cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam, cho các lô xe xuất khẩu sang Việt Nam”, đại diện VAMA cho biết.
Các thành viên VAMA cho rằng mỗi quốc gia (sản xuất xe) khi sản xuất xe cho thị trường Việt Nam đều rất khó khăn để chứng nhận cho lô xe không tiêu thụ tại nước đó. Bởi trên thực tế các nước sản xuất xe cho thị trường Việt Nam như Thái Lan, Indonesia và Malaysia có sự khác biệt về tay lái, chưa kể các tiêu chuẩn khác về an toàn, khí thải…
Thị trường "nằm chờ"
Đáng chú ý, VAMA đã có đơn kiến nghị lần 4 vào giữa tháng 12/2017, mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành các quy định đối với việc nhập khẩu xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng.
Tại cuộc gặp vào tháng 12/2017 với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã nhận được phản hồi về những khó khăn của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, những trở ngại về thủ tục nhập khẩu ô tô được quy định trong Nghị định 116 đã được ông Karashima Hiroshi- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản bày tỏ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng sau đó đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan tiến hành khảo sát, điều tra và có thể sửa đổi hoặc có hướng dẫn cụ thể, gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các kiến nghị này vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Như vậy, có thể nói rằng người tiêu dùng Việt chưa kịp mừng vì thuế nhập khẩu xe hơi giảm xuống từ 0% năm 2018 này thì đã phải nhận "gáo nước lạnh" khi hàng loạt các doanh nghiệp ngoại tuyên bố ngừng nhập xe, huỷ đơn hàng do khó khăn chính sách. Với hàng loạt các hãng, đại lý của hãng xe lớn tung thông tin khan hiếm xe, không có xe mới để bán. Hàng loạt mẫu xe mới như Honda CRV, Ford Explorer hay Mercesdes S-Class 2018 cũng không về kịp, ngừng nhập hoặc hoãn ra mắt tại Việt Nam đã khiến thị trường xe trở nên rất kịch tính, đặc biệt trong thời điểm cận tết Nguyên đán 2018.
Nhiều thông tin thị trường còn cho biết, các hãng, đại lý xe đã yêu cầu khách hàng nộp tiền chênh từ 50 triệu đồng đến gần 198 triệu đồng để mới mong nhập xe về sớm, dùng xe cho dịp tết Nguyên Đán 2018, điều này khiến nhiều người ngán ngẩm, thất vọng vì tin đồn xe giảm giá.
Trong khi đó, các chuyên gia tính toán và nhận định, ngay cả sau khi các điều khoản ràng buộc trong Nghị định 116/2-17/NĐ-CP được “cởi nút” bằng thông tư hướng dẫn, cũng sẽ phải ít nhất sang quý III/2018 thị trường mới có thêm các mẫu xe nhập khẩu mới về Việt Nam.
Thy Hằng