Mức giá dự kiến chào mua công khai là 202.000 đồng (8,93 USD)/cổ phiếu, tương ứng Masan Beverage phải chi khoảng 1.700 tỷ đồng (74,6 triệu USD) cho thương vụ này.
Công ty TNHH MTV Masan Beverage công bố sẽ mua hơn 8,38 triệu cổ phiếu của CTCP Vinacafe Biên Hòa (mã: VCF), tăng tỷ lệ sở hữu của mình lên 100%. Thời gian thực hiện từ ngày 26/1 đến 23/2.
Mức giá dự kiến chào mua công khai là 202.000 đồng (8,93 USD)/cổ phiếu, tương ứng Masan Beverage phải chi khoảng 1.700 tỷ đồng (74,6 triệu USD) cho thương vụ này.
Ba tháng qua, thị giá cổ phiếu VCF tăng 41% lên 220.000 đồng/cp kết phiên ngày 19/1. Do đó, giá trị đầu tư của Masan Beverage có thể nâng lên 1.843,6 tỷ đồng (76,8 triệu USD). Masan Beverage là công ty con của Masan Consumer Holdings thuộc Tập đoàn Masan và hoạt động trong phân khúc đồ uống không cồn.
Ngày 9/1 vừa qua, Vinacafe Biên Hòa tiến hành chốt danh sách cổ đông trả cổ tức kỷ lục là 66.000 đồng (2.9 USD)/cổ phiếu trước khi Masan Beverage đăng ký mua cổ phần.
Hiện Masan Beverage nắm giữ 18,19 triệu cổ phiếu VCF, tương đương với 68,5% vốn điều lệ. Ngoài việc nắm giữ cổ phần của VCF, Công ty còn nắm giữ 65% Công ty Nước khoáng Quảng Ninh và 63,9% Công ty Nước Khoáng Vĩnh Hảo.
Đến hiện tại, Vinacafé Biên Hòa chỉ có 2 cổ đông lớn là Masan Beverage nắm 68,5% vốn và Gaoling Fund,LP sở hữu 23,33% vốn, số lượng cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ chỉ chiếm 8,2%.
Vinacafé Biên Hòa là doanh nghiệp trong ngành hàng cà phê hòa tan và sở hữu một số thương hiệu như Vinacafé, Wake-up, Wake-up 247 (chiếm vị trí thứ 4 trong ngành nước tăng lực tại Việt Nam với khoảng 5% thị phần).
Trong giai đoạn 2012-2016, Vinacafé Biên Hòa đạt mức tăng trưởng kép 12%/năm với biên lợi nhuận cải thiện từ 27,6% lên 36,2%.
Lý giải nguyên nhân muốn “thâu tóm” 100% cổ phần Vinacafé Biên Hòa, Tập đoàn Masan đưa ra 2 lý do: Thứ nhất, từ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng cà phê hòa tan và sở hữu các thương hiệu mạnh như Vinacafé, Wake-up… Vinacafé Biên Hòa đã mở rộng thành công nhãn hiệu Wake-up 247 (nước tăng lực vị cà phê, hiện chiếm vị trí thứ 4 với thị phần khoảng 5% trong ngành hàng nước tăng lực tại Việt Nam, đạt mức tăng trưởng 58,3% trong 9 tháng đầu năm 2017) và đã khẳng định năng lực mở rộng ngành hàng thông qua “innovation” và nền tảng phân phối toàn quốc hiệu quả của Masan.
Masan tin rằng cà phê và các sản phẩm từ cà phê sẽ là một trong các nền tảng trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống và tạo ra “giá trị gia tăng” cao cho ngành cà phê của Việt Nam.
Thứ hai, bằng việc mua thêm khoảng 30% cổ phần của VCF, lợi nhuận của Masan dự kiến sẽ tăng lên do giảm cổ đông thiểu số. Ngoài việc giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận thuần, Giao dịch này còn mang lại dòng tiền lớn hơn và tinh giản bảng cân đối kế toán hợp nhất cũng như cấu trúc Tập đoàn, nằm trong mục tiêu giảm tỉ lệ “Nợ/EBITDA” xuống dưới 2 lần trong 3 năm tới của Masan.
Linh Nga