Thị trường CNTT Việt Nam: Phần mềm hồi phục, bán lẻ và phần cứng khó khăn

SGTT | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 14 Tháng Bảy 2011 14:04:00

Tổng doanh thu doanh nghiệp phần cứng năm 2010 tăng khoảng dưới 15%. Riêng doanh số của doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước tiếp tục sụt giảm kỷ lục, -25%.

Về tổng quan, năm 2010 ngành CNTT Việt Nam vẫn phát triển với doanh thu đạt trên 7 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2009. Tuy nhiên nếu xét trong tương quan lạm phát thì mức tăng này thấp hơn tỷ lệ lạm phát rất nhiều. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn, đặc biệt là khối bán lẻ, sản xuất phần cứng và cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống và hiện chưa có dấu hiệu khả quan.

Nhận định trên từ Báo cáo toàn cảnh thị trường CNTT Việt Nam 2011, được đưa ra trong phiên khai mạc hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử và hội thảo toàn cảnh thị trường CNTT-TT Việt Nam sáng nay, 14.7 tại TPHCM. Sự kiện diễn ra song song với Triển lãm quốc tế thường niên về Điện tử - CNTT và TT do IDG Vietnam và Hội Tin học TPHCM (HCA) tổ chức.

Báo cáo thường niên trên do HCA thực hiện thông qua khảo sát kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này. Theo HCA, bối cảnh thị trường nhiều biến động đã ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp CNTT thể hiện qua mức độ tăng trưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực như phần cứng, bán lẻ, phần mềm, dịch vụ và đào tạo.

Các doanh nghiệp bán lẻ điện tử và thiết bị CNTT dù mức tăng tổng doanh thu khoảng 15% nhưng do chi phí tăng cao khiến khả năng sinh lời trong năm 2010 rất thấp, thậm chí thua lỗ, tình trạng khó khăn đang tiếp tục kéo dài.

Tổng doanh thu doanh nghiệp phần cứng năm 2010 tăng khoảng dưới 15%. Riêng doanh số của doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước tiếp tục sụt giảm kỷ lục, -25%. Điều này do sự cạnh tranh của các thương hiệu toàn cầu, mặt khác do sức ép của việc nhập khẩu linh kiện rời để sản xuất phải chịu thuế trong khi nhập máy tính nguyên chiếc thì mức thuế suất bằng 0.

Mảng tích hợp hệ thống chỉ đạt mức tăng trưởng 5%, có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm. Điều này do tiến độ triển khai các dự án tin học hóa tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đều bị chậm hoặc bị cắt giảm đáng kể do ảnh hưởng của lạm phát và chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ.

Một dấu hiệu đáng lo ngại là năm 2010 doanh thu của nhóm đào tạo CNTT đã giảm khoảng 15% so với năm 2009 và năm 2011 tiếp tục xu hướng giảm. Bên cạnh đó thì kết quả tuyển sinh những năm gần đây cũng cho thấy ngành CNTT bị giảm sức hút trong giới trẻ, việc tuyển sinh ngày càng khó khăn. “Việc tăng trưởng chậm lại của lĩnh vực đào tạo CNTT là một cảnh báo cần đặc biệt quan tâm”, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA.

Chỉ riêng nhóm doanh nghiệp phần mềm giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 25% so với 2009. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất và gia công xuất khẩu có sự khởi sắc nhờ vào sự hồi phục của thị trường toàn cầu. Theo HCA, số hợp đồng gia công bắt đầu tăng nhanh trong năm 2010 và tăng vọt vào đầu năm 2011, dự báo đạt mức tăng 40% trong năm nay. Các công ty lớn trong ngành này như FPT, CSC, GCS, GHP Far East, ISB, Capgemini, TMA… đều đạt mức tăng trưởng cao.

Ngành gia công phần mềm cũng bắt đầu có sự phát triển theo hướng chuyên sâu có giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt một xu hướng thị trường đang tạo ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam là dịch vụ gia công quy trình nghiệp vụ kinh doanh (BPO) và kinh doanh thông minh (BI) nhờ nhiều doanh nghiệp BPO trong nước đã tạo được tên tuổi nhất định trên thị trường quốc tế.

Cũng trong sáng nay, Bộ Thông tin Truyền thông đã công bố “Sách Trắng công nghệ thông tin – viễn thông Việt Nam 2011”. Đây là năm thứ ba Bộ này thực hiện thống kê toàn ngành, là dữ liệu phục vụ cho các cuộc điều tra, khảo sát.

Theo Sách Trắng, tổng doanh thu toàn ngành viễn thông và công nghiệp CNTT Việt Nam cuối năm 2010 đạt gần 17 tỷ USD, gấp 19 lần so với năm 2000. Tổng số thuê bao điện thoại cả nước đến cuối năm 2010 đạt 126 triệu, số thuê bao internet băng rộng gần 3,7 triệu. Riêng lĩnh vực phần mềm và dịch vụ đạt trên 1 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2005. Năm 2010, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 8 trong số các nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.