Cả nước hiện có gần 10 dự án lọc hóa dầu với tổng công suất trên 60 triệu tấn/năm đang được đầu tư và xin cấp phép đầu tư.
Trong số đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư của 3 dự án lớn. Tổng công suất ước tính trong các dự án của PVN có thể lên tới 40 triệu tấn/năm. Ngoài ra tại các địa phương khác cũng đang có 4 dự án với tổng công suất trên 20 triệu tấn đang được xúc tiến.
Hiện nay, mới có duy nhất Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm và đang nghiên cứu mở rộng, lên 10 triệu tấn/năm, còn tất cả hiện vẫn đang là các dự án.
Hiện nay giá dầu thô đang tăng cao, chi phí đầu tư các dự án lọc dầu lớn, trong khi lợi nhuận từ lọc dầu không cao, hiện chưa tới 20 USD/tấn dầu thô, vì vậy không ít ý kiến lo lắng cho các dự án lọc dầu, nhất là những dự án ngoài PVN.
Ngoài việc phải huy động nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, thì việc lựa chọn mục tiêu, công nghệ cho từng dự án cụ thể, lựa chọn phương thức tổ chức, quản lý, đào tạo nhân lực có trình độ... đều là những vấn đề nan giải mà các dự án phải giải quyết lâu dài.
Với tổng công suất lọc dầu từ các dự án trên cả nước đã lên tới trên 60 triệu tấn/năm, một số ý kiến quan ngại là đã quá dư thừa so với nhu cầu trong nước. Trong chiến lược dầu khí Việt Nam, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc dầu trong nước, giai đoạn 2011-2015 dao động trong khoảng từ 15 đến 20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu dự báo đến năm 2025 chỉ là 27 triệu tấn/năm. Tổng công suất như trên đã cao gấp hơn 2 lần nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Toản, nguyên Viên trưởng Viện dầu khí Việt Nam, dẫn số liệu thống kê của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, giả thiết đến năm 2015 kinh tế Việt Nam phát triển bằng với Trung Quốc năm 2005 và dân số 100 triệu người thì nhu cầu của ta lúc đó sẽ là 21 triệu tấn/ năm, còn nếu bằng với Thái Lan (2005) thì nhu cầu sẽ là 65 triệu tấn/năm. Dự báo trong chiến lược 27 triệu tấn/năm cho năm 2025, tức là bằng khoảng hơn một nửa mức tiêu thụ của Thái Lan năm 2005, là quá thấp.
Hơn nữa, với trữ lượng dầu được công bố đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể xếp vào nhóm nước nghèo về tài nguyên dầu mỏ. Nhóm nước nghèo này thường chọn chiến lược phát triển hạ nguồn, dùng nguồn lợi từ lọc hóa dầu và dịch vụ phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng.
Phát triển lọc hóa dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu biến nước ta thành "trung tâm cung ứng và dịch vụ xăng dầu cho thị trường khu vực (Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc...) là điều cần hướng tới bởi Việt Nam rất có lợi thế về vị trí địa lý. Thái Lan, một nước rất ít tài nguyên dầu mỏ đã xây dựng chiến lược dầu khí của mình theo hướng này. Bởi vậy công suất bao nhiêu không thành vấn đề.
Vấn đề chính là tính hiệu quả của các dự án. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có nhiều nhà máy lọc dầu và đang dư thừa công suất. Nếu các dự án không tính toán cẩn thận về hiệu quả, thì rủi ro sẽ khó tránh khỏi, nhất là với các dự án sinh sau đẻ muộn, dự án có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, ông Toản nói.