Các doanh nghiệp vận tải đứng trước ngưỡng cửa 2018 với vô vàn khó khăn về phí cao, phương tiện tăng mất cân đối với số lượng hàng hóa.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu năm 2018, hàng nghìn xe tải, xe container phải xếp hàng dài nhiều kilomet để chờ vào Cảng Cát Lái. Hệ quả là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa “kêu trời” vì thua lỗ, làm ăn mất uy tín với khách hàng do giao hàng luôn trễ hẹn.
“Chết” vì phí
Mặc dù đóng nhiều loại phí nhưng xe không thể chạy thuận tiện do đường kẹt. Theo ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Cty TNHH vận tải Lâm Vinh (TP HCM), hiện các doanh nghiệp vận tải đang bị “đè nặng” vì phí, vừa đóng phí BOT, vừa đóng phí bảo trì đường bộ. Đơn cử, phí bảo trì đường bộ, hiện vẫn quá cao, tới hơn 17 triệu đồng/năm, đối với xe đầu kéo có tổng trọng lượng 40 tấn trở lên. Trong khi, trên thực tế, các xe chỉ hoạt động trung bình 9 tháng/năm. Trong khi, một số tuyến đường cửa ngõ thành phố như: đường ra, vào Cảng Cát Lái, đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), thường kẹt xe cả nửa ngày.
Còn theo ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Cty Vận tải Minh Liên (Q.Bình Thạnh), tình hình bây giờ bi đát lắm, hàng hóa không có để chở, giá cước xuống thấp do cạnh tranh. Dù lỗ mà vẫn phải làm, vì không làm thì không có tiền trả nợ ngân hàng. Ông Phú cho hay, doanh nghiệp của ông đã phải cắt giảm số lượng xe, cắt giảm nhân sự và vẫn lao đao trong vòng xoáy các loại phí, trong đó, nặng nhất vẫn là phí bảo trì đường bộ và phí qua các trạm BOT.
Thực tế, hiện trên địa bàn TP HCM có tới 5 trạm thu phí và khoảng 10 trạm thu phí của các tỉnh liền kề. Điều đáng nói, các trạm này nằm gần nhau, chỉ cách nhau trung bình từ hơn 4km đến 20km, trong khi theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí ít nhất phải 70km trở lên. Điều này đã và đang trở thành lực cản, tạo gánh nặng cho các DN vận tải hàng hóa trong quá trình hoạt động.
Giải pháp không hiệu quả
Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, năm 2017, trên địa bàn thành phố có trên 2.000 doanh nghiệp vận tải hàng hóa, với gần 18.000 xe container (tăng gần 28%), hơn 22.000 xe tải từ 3,5 tấn trở lên (tăng 76%), so với năm 2016). Trong khi, sản lượng hàng hóa qua cảng biển đạt 105 triệu tấn, chỉ tăng 4,5%; qua cảng sông đạt gần 29 triệu tấn, tăng 12%; trên đường bộ đạt 406 triệu tấn, chỉ tăng 7,5%, so với năm 2016. Điều này cho thấy, lượng phương tiện tăng lên quá nhiều so với sản lượng hàng hóa, gây mất cân đối giữa nhu cầu và năng lực vận tải.
Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa kiến nghị, thời gian tới, nhà nước cần bố trí hợp lý hơn khoảng cách giữa các trạm BOT đúng theo quy định, cũng như giảm phí BOT và phí bảo trì đường bộ, để các doanh nghiệp vận tải “dễ thở” hơn.
Trước những bất cập trên, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, thời gian qua, Sở đã đi khảo sát thực tế và sẽ tham mưu kiến nghị lên UBND TP HCM để có phương án, lộ trình điều chỉnh trong thời gian tới.
Thế nhưng, theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp đã đưa ra, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục bức xúc, nhất là tình trạng “phí chồng phí”, kẹt đường, các thủ tục quy định liên quan vẫn rất rối rắm, khiến không ít doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.
Tuyết Hương