Hiện nay, tỷ trọng nguồn điện thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 55% song đến năm 2020-thời điểm thị trường phát điện cạnh tranh vận hành được 10 năm- con số này chỉ giảm 5%.
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Theo đó, chương trình phát triển nguồn điện trên cả nước sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Từ nay đến năm 2015, Bộ Công Thương đề nghị cần xem xét đánh giá lại tính khả thi của một số dự án quan trọng và tính toán nhằm tối ưu hóa việc phát triển các nguồn điện để đáp ứng nhu cầu điện trong giai đoạn này.
Đến năm 2020, một số dự án nhiệt điện được phát triển theo hình thức IPP (công ty phát điện độc lập), BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Các trung tâm nhiệt điện cũng sẽ được phát triển. Giai đoạn sau năm 2020, các nhà máy nhiệt điện than, thủy điện tích năng sẽ được dự kiến phát triển để cân đối cung cầu điện trên 3 miền. Nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng tại miền Nam, miền Trung.
Bộ Công Thương cho rằng, ước tổng vốn đầu tư cho phát triển toàn hệ thống trong 20 năm tới sẽ lên tới 124 tỷ đôla, tính trung bình mỗi năm cần 6,8 tỷ USD bao gồm hệ thống nguồn, lưới, truyền tải và phân phối.
Hiện tỷ trọng nguồn điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 55% song đến năm 2020, con số này chỉ giảm 5%, chiếm một nửa nguồn cung ứng điện trong cả nước.
Thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014), thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức khởi động từ 1/7. Như vậy, theo lộ trình, tới năm 2020, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành được 10 năm nhưng EVN vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Trong số 73 nhà máy điện tham gia thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, có gần 50 đơn vị trực tiếp chào giá. Các trường hợp thuộc EVN sẽ được cơ cấu thành tổng công ty phát điện độc lập, nhưng trước mắt vẫn thuộc kiểm soát của EVN.