Đầu năm 2018, chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất 11 năm qua, nối tiếp đà tăng mạnh mẽ trong năm 2017. Cùng với diễn biến tích cực của thị trường, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) cũng có nhiều khởi sắc, được dự báo sẽ có thêm những chuyển động mới khả quan trong năm nay.
Thị trường tăng trưởng hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư lớn gia nhập hoặc trở lại thị trường, đồng thời, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân cũng chảy nhiều hơn vào kênh chứng khoán. Kéo theo đó, nhu cầu về dịch vụ margin, tư vấn đầu tư… cũng ngày càng đa dạng. Đây là cơ hội để các CTCK đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu về thêm nhiều lợi nhuận.
Hiện tại, trên thị trường, câu chuyện cạnh tranh vẫn tập trung ở những sản phẩm như margin, tư vấn, ủy thác đầu tư…, tuy nhiên, năm 2018, "vũ khí" cạnh tranh có thể sẽ khác. Một chuyên gia phân tích cho biết, thị trường giao dịch sôi động, nhu cầu margin tăng cao khiến nguồn lực về vốn của các CTCK cạn dần. Thậm chí, một số giai đoạn căng thẳng margin trong năm 2017, CTCK phải tăng phí để tăng hiệu quả kinh doanh, hoặc cắt margin tại nhiều mã có dư nợ nhưng không giao dịch hoặc ít giao dịch, ưu tiên cho các cổ phiếu thanh khoản cao.
Bên cạnh đó, một xu thế nổi bật trong năm 2017 tại khối CTCK là nguồn vốn ngoại đổ bộ vào thông qua việc mua lại CTCK trong nước hoặc đầu tư vốn góp với tỷ lệ sở hữu chi phối, chủ yếu đến từ doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan với tiềm lực tài chính mạnh.
Chẳng hạn, Công ty Mirea tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng , KB Securities hoàn tất mua lại MSI, Chứng khoán Yuanta (Đài Loan) mua lại CTCK Đệ Nhất, KIS Việt Nam cũng sắp sửa tăng vốn điều lệ. Đáng chú ý là sự xuất hiện của Samsung Securities thông qua kế hoạch mua 10% mua cổ phần của Dragon Capital - cổ đông lớn nhất của CTCK TP. HCM - HSC.
Hiện nay, đa phần các CTCK Việt Nam đều sử dụng công nghệ của Hàn Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, CTCK trong nước phần nào phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nếu có vấn đề kỹ thuật thường phải chờ đợi sự hỗ trợ của chuyên gia hải ngoại. Trong khi đó, với CTCK có vốn ngoại, các doanh nghiệp này sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực về công nghệ của đối tác.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm các sản phẩm mới như phái sinh, CW, công nghệ tiên tiến, ổn định là thế mạnh rất quan trọng. Do vậy, khối CTCK có vốn ngoại dự báo sẽ có sức cạnh tranh được nâng cao đáng kể. Sự chạy đua giữa khối công ty nội và doanh nghiệp có vốn ngoại có thể sẽ khốc liệt hơn nữa trong năm 2018.
Để tạo lợi thế cạnh tranh riêng, trong thời gian tới, các CTCK sẽ tích cực đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Theo ý kiến của giám đốc khối khách hàng tổ chức của một CTCK, điều này vô hình chung buộc các CTCK top đầu thay đổi và chú trọng hơn đến vấn đề này, thay vì “ỷ lại” các lợi thế về thương hiệu, IB như trước đây.
Một điểm khác biệt trong năm 2018 là việc các CTCK sẽ hướng đến cung cấp dịch vụ quan hệ nhà đầu tư (IR). Trưởng phòng môi giới khách hàng cá nhân một công ty chứng khoán cho biết, rất nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chưa có bộ phận IR, đồng thời gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự. Theo đó, CTCK sẽ có nhiều dư địa để phát triển sản phẩm/dịch vụ này.
Ngoài ra, theo chia sẻ của một giám đốc môi giới đã gắn bó lâu năm trên thị trường, từ trước đến nay, các CTCK top đầu thường phát triển môi giới theo mô hình đa cấp – là mô hình rất hay. Trong năm 2018, đây vẫn có thể là mô hình mang lại thành công, tuy nhiên, nhân sự phục vụ ngành có hạn, không thể tiếp tục phình to. Do vậy, CTCK cần có cách để một nhân viên môi giới trở nên “đa năng” hơn, có đủ nghiệp vụ để cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho khách hàng. Theo đó, mô hình phát triển môi giới đã có sự thay đổi và CTCK chắc chắn phải chú trọng đến vấn đề này.
Phan Hằng