Chống lạm phát vẫn phải nghĩ cho dài hạn

TBKTSG | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu 2011 15:27:00

Vào tuần trước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá đã trình bày một số thách thức chính sách trong nửa cuối năm 2011 tại một diễn đàn kinh tế tổ chức ở Hà Nội.

TBKTSG lược ghi và giới thiệu phát biểu này như một ý kiến đóng góp cho quá trình xây dựng chính sách hiện nay.

“Những chuyển biến tích cực sau Nghị quyết 11/NQ-CP chứng tỏ đây là một bước đi đúng đắn... Song bản thân công tác hoạch định chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua vẫn còn nổi lên một số vấn đề.

Thứ nhất, mặc dù thứ tự ưu tiên giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát phần nào được xác định rõ, song Việt Nam còn thiếu đánh giá về tác động của việc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đối với tình hình việc làm, và đời sống dân cư.

Việc chấp nhận đánh đổi tăng trưởng thấp trong ngắn hạn để ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn hơn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mức độ chấp nhận đánh đổi tăng trưởng đến đâu còn phụ thuộc vào chi phí thực tế của việc giảm lạm phát. Các đánh giá về tác động của giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cung cấp bằng chứng về những chi phí thực tế ấy.

Thứ hai, mặc dù đã có những tác động tích cực ban đầu, các biện pháp chính sách tiền tệ dường như lại được thực hiện quá nhiều và quá dồn dập.

Gần đây nhất, chỉ sau một thời gian ngắn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp trần lãi suất huy động đô la Mỹ và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ, NHNN chi nhánh TPHCM đã đề xuất việc áp trần lãi suất 0% đối với tiền gửi đô la Mỹ của các tổ chức kinh tế, khiến các tổ chức kinh tế có thể lựa chọn không gửi tiền vào ngân hàng nữa.

Mặc dù đề xuất này chưa được thực hiện, song cũng cần nhận thức rằng các biện pháp chính sách tiền tệ chỉ phát huy tác dụng sau một thời gian trễ nhất định, khoảng sáu tháng. Do đó, việc thực thi các biện pháp chính sách tiền tệ cần được thực hiện với “một cái đầu lạnh” và một sự kiên nhẫn đến khi chính sách phát huy tác dụng, thay vì ban hành nhiều chính sách dồn dập nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra (mặc dù điều này khó thực hiện được trên thực tế). Hơn nữa, việc tránh sử dụng nhiều biện pháp chồng lên nhau còn để lại dư địa chính sách cho cơ quan điều hành, phòng khi nền kinh tế có những diễn biến khó lường hơn.

Cuối cùng, chính sách tài khóa dường như chưa có nhiều biện pháp theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô. Các biện pháp giảm chi ngân sách chưa mang lại nhiều kết quả. Danh mục dự án cắt giảm đầu tư trong năm vẫn chưa đạt được quy mô mong muốn. Trong khi đó, các biện pháp chi nhằm bảo đảm an sinh xã hội dường như lại được quyết định và thực hiện rất nhanh. Điều này là rất cần thiết nhằm duy trì ổn định xã hội và đồng thuận của người dân, song cũng gây ra ấn tượng rằng các biện pháp giảm chi được thực hiện khá chậm, trong khi các biện pháp tăng chi khác lại khá nhanh”.