Áp lực bán "khủng" trên sàn HNX

| Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu 2011 15:55:00

(Stox.vn)-Thanh khoản dưới mức trung bình tuần với lực cầu rút lui qua từng phiên đối nghịch áp lực bán tháo dâng cao. Trừ ngành BĐS và du lịch – giải trí, tất cả các ngành chủ chốt khác đều giảm sâu, đẩy hai chỉ số chính xuống mức thấp nhất tuần.

Áp lực bán “khủng” trên HNX

Hoạt động gom – xả trên thị trường vẫn diễn ra hết sức sôi động với hai niềm tin trái ngược tồn tại song song. Tuy vậy, áp lực bán tháo trở nên thắng thế trong phiên cuối tuần, đẩy toàn thị trường chứng kiến 227 mã giảm sàn và 199 mã giảm bên cạnh 149 mã đứng giá trong khi chỉ có 76 mã tăng và 21 mã tăng trần.

Chỉ số Vn-Index giảm tới 6,24 điểm, mức giảm lớn nhất trong hai tuần trở lại đây, tương ứng với 1,4% và chốt phiên hôm nay ở mức thấp nhất tuần, 438,93 điểm. Khép lại phiên giao dịch thứ hai của tháng 6, chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm 2,05 điểm hay 2,61% xuống 76,63 điểm.

Thanh khoản trên cả hai sàn đều ở dưới mức trung bình của tuần, lần lượt là 47,4 triệu đơn vị ứng với 867,88 tỷ VND về giá trị trên sàn HSX và 52,5 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công trên sàn HNX với giá trị 619,65 tỷ VND. Sàn HNX chứng kiến khối lượng dư bán “khủng”, gần 71,6 triệu đơn vị cho thấy kịch bản đầu cơ trên sàn này đã tới lúc khép lại.

Nhiều mã trên sàn này đã tăng nóng trong suốt thời điểm đầu tháng 6 tới nay, hiện đã đồng loạt quay đầu áp sàn. Tuy nhiên, lực cầu trên sàn HNX vẫn ở mức khá, và các mã như KLS, VND, PVX, SCR, SHN, BVS… vẫn duy trì giao dịch sôi động. Do đó, không thể phủ nhận vẫn tồn tại một nhóm thu gom, duy trì tỷ lệ cổ phiếu cao trong danh mục của mình.

Khi HNX hạ nhiệt, mọi sự chú ý của giới đầu cơ sẽ lại đổ về HSX, khi những phiên gần đây những mã lớn đã có sự phân hóa và điều chỉnh rõ rệt. Cổ phiếu VIC đã có một tuần tăng điểm ấn tượng trong khi các mã khác đều xuất hiện những điều chỉnh, một cơ hội cho các nhà đầu cơ tái cơ cấu danh mục trên sàn HNX và chuyển dòng tiền vào các mã này. Đặc biệt cuối tháng 6 sẽ là thời điểm chốt NAV của nhóm đầu tư tổ chức.

Nhóm bất động sản rục rịch?

Tất cả các nhóm ngành chủ chốt trên thị trường đều giảm sâu trừ nhóm bất động sản và du lịch – giải trí. Theo đó, nhóm du lịch và giải trí đạt mức tăng 1,8% còn nhóm bất động sản tăng nhẹ 1,4%. Nhóm có mức giảm sâu nhất thị trường trong phiên cuối tuần là nhóm dịch vụ tài chính, lùi sâu tới 4,4%.

Thống kê trên sàn HSX cho thấy trong số 41 mã thuộc nhóm bất động sản trên sàn này, chỉ số duy nhất mã VIC cuối phiên được đẩy trần còn lại chỉ có 5 mã tăng, 4 mã đi ngang và tới 16 mã giảm sàn. Tình trạng tương tự trên sàn HNX khi có tới 13/20 mã thuộc nhóm ngành bất động sản trên sàn này nằm sàn, chỉ có 2 mã D11 và IDV xanh nhẹ và CSC đứng tham chiếu.

Như vậy, mức tăng của nhóm ngành bất động sản được dẫn dắt bởi cổ phiếu VIC trong phiên hôm nay. Mới đây nhất, các trái chủ của doanh nghiệp này đã chuyển đổi 99,9 triệu USD thành hơn 31,36 triệu cổ phần với giá chuyển đổi sau pha loãng tương đương 60.000 đồng/cp.

Một thông tin được coi là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp bất động sản là sự hạ nhiệt của lãi suất trong nền kinh tế. Hôm qua, Sở GDCK Hà Nội đã thông báo đợt chào bán thành công hơn 4.900 tỷ đồng TPCP với lãi suất giảm mạnh xuống 12,3%/năm. Những tín hiệu vui từ thị trường trái phiếu liên tục được phát đi trong thời gian gần đây, với 4 phiên chào bán gần đây nhất đều có tỷ lệ chào bán thành công 95% với lãi suất giảm dần qua các phiên. Đây được coi là thông tin tích cực, thể hiện kỳ vọng lãi suất cũng như kỳ vọng về sự ổn định của nền kinh tế đã có nhiều cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, đây mới là những tín hiệu tích cực đầu tiên của nền kinh tế, do đó, thị trường sẽ cần tới nhiều hơn những thông tin hỗ trợ để ngành bất động sản nổi sóng trở lại.

 

Anh Đặng