Ba thách thức của nền kinh tế Mỹ

| Ngày cập nhật: Thứ Ba, 10 Tháng Năm 2011 16:37:00

(Stox.vn)-Nền kinh tế Mỹ đã trải qua gần bốn năm sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên của thế kỷ 21 xảy ra, tuy nhiên một chặng đường dài vẫn đang chờ đợi nước Mỹ ở phía trước để có thể đưa nền kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng.

Nền kinh tế Mỹ sẽ mất bao lâu để phục hồi?

Khi Tổng thống Obama nhậm chức năm 2009, nhóm phụ trách kinh tế của ông đã dự báo nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi từ khủng hoảng. Dự báo chính thức đầu tiên của đơn vị này, so sánh theo năm, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm 2010 và 4,4% trong năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ rơi xuống mức 7,7% vào cuối năm 2010 và còn 6,8% trong cuối năm 2011.

Thực tế đã xảy ra không như dự đoán. Tăng trưởng chỉ đạt 2,8% trong năm ngoái và quý I năm nay kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng được ở mức 1,8%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp loanh quanh ngưỡng trên 8% và theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, ông Ben Bernanke, con số đó sẽ tiếp tục duy trì trong suốt năm nay.

Các nhà kinh tế sẽ mất nhiều thời gian để tranh cãi về việc liệu những chính sách hiện nay của ông Obama có phải là nguyên nhân của sự phục hồi trì trệ hay do nền kinh tế Mỹ kiệt quệ hơn mức dự báo của bộ máy điều hành vấn đề kinh tế đã chuẩn đoán trước đó và đòi hỏi nhiều công sức và chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Nhưng không nghi ngờ gì rằng tốc độ phục hồi hiện nay của nền kinh tế Mỹ không bắt kịp được với thành tựu mà Tổng thống Ronald Reagan đã làm được ở cuộc khủng hoảng trước với sự sụt giảm trong tỷ lệ thất nghiệp từ 10,8% tháng 12/1982 xuống 7,3% hai năm sau đó.

Nhìn về tương lai, một vấn đề đang mở ra cho nước Mỹ là liệu cuộc suy thoái lần này có để lại những ảnh hưởng ngăn tỷ lệ thất nghiệp quay trở lại mức được coi là bình thường của vài năm trước? Điểm đáng lưu ý tại thị trường việc làm của Mỹ hiện nay là sự gia tăng trong số người thất nghiệp dài hạn. Khoảng thời gian thất nghiệp trung bình của Mỹ hiện nay là gần 40 tuần, gần gấp đôi khoảng thời gian thất nghiệp trung bình của đợt suy thoái trước đây. Theo đó, những người thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài như vậy sẽ dễ dàng mất đi những kỹ năng làm việc và lo lắng về tương lai bất ổn của mình. Nhưng do nước Mỹ đang rơi vào một tình huống chưa từng xảy ra trước kia nên khó ai có thể dám chắc về những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Kỳ vọng lạm phát sẽ được neo giữ trong bao lâu?

Năm 1967, Milton Friedman đã có bài phát biểu trước Hiệp hội Kinh tế Mỹ với một thông điệp đơn giản nhưng mang tính nền tảng: Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế, nói chung, dựa trên tỷ lệ lạm phát mà người dân kỳ vọng. Khi tất cả mọi người đều kỳ vọng lạm phát ở mức cao, người lao động sẽ đàm phán tăng lương, và các công ty sẽ đẩy giá lên mức cao hơn để bắt kịp với mức tăng chi phí dự kiến. Khi tất cả mọi người đều kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức hợp lý, người lao động và các công ty sẽ bớt gay gắt hơn trong vấn đề tiền lương và chi phí. Tóm lại, nhận thức về lạm phát tạo nên lạm phát thực tế.

Mặc dù ý tưởng này là lạ thường khi giáo sư Friedman lần đầu tiên đề xuất, nhưng ngày nay, lý thuyết này của ông xuất hiện ở sách giáo khoa về kinh tế và là tâm điểm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang FED Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách FED đang giữ lãi suất ở mức thấp, bất chấp giá hàng hóa cơ bản đang tăng vọt. Tại sao? Kỳ vọng lạm phát đang được “neo giữ đúng mức”, vì vậy không có những vấn đề tiếp diễn đối với lạm phát. Giá xăng gia tăng chỉ là nhất thời.

Họ có thể đúng nhưng vẫn có lý do để chúng ta nghi ngờ. Ngay cả khi kỳ vọng lạm phát quan trọng như một sự thật hiển nhiên, những yếu tố chi phối kỳ vọng lạm phát lại không rõ ràng. Người dân chỉ đơn thuần nhìn lại quá khứ và suy luận từ những kinh nghiệm hiện tại để dự đoán về tương lai hay những kỳ vọng này dựa trên độ tín nhiệm của các nhà hoạch định chính sách? Và nếu độ tín nhiệm là quan trọng thì nó được thiết lập như thế nào? Người dân liệu có đưa ra đánh giá dựa trên lý trí hay họ dễ dàng bị thuyết phục bởi những lo lắng và chịu tác động từ các sự kiện bên ngoài?

Ông Bernanke và bộ máy của mình có thể cần phải xem xét những yếu tố này vì trong thời điểm bất ổn, các kỳ vọng có thể dễ dàng nhổ neo hơn họ nghĩ.

Thị trường trái phiếu sẽ còn tin nước Mỹ trong bao lâu?

Điểm nổi bật của các thị trường tài chính là thị trường sẵn sàng cho chính phủ liên bang vay với những điều kiện thông thoáng bất chấp thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ, một chu kỳ tài khóa mà mọi người đều biết đang ở trong tình trạng không ổn định và các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc đi đến một thỏa thuận về cách thức thay đổi tình trạng hiện tại. Việc này không thể kéo dài mãi – điều này rõ ràng.

Tuy vậy, nước Mỹ chưa rõ thời gian còn lại cho mình là bao lâu.

Winston Churchill đã có một câu nói nổi tiếng “Người Mỹ luôn được tin tưởng sẽ làm điều đúng đắn sau khi họ đã cố hết sức thử các khả năng khác.” Điều này dường như bao hàm cả quan điểm của thị trường trái phiếu ngày nay. Thị trường này tin rằng các nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng sẽ đưa tình hình tài khóa của chính phủ về đúng trật tự và đang chờ đợi một cách kiên nhẫn trong khi nước Mỹ đang mòn mỏi vận dụng các phương án thay thế khác.

Nhưng một niềm tin như vậy vào thái độ đúng đắn của nước Mỹ sẽ không kéo dài mãi. Nước Mỹ càng trì hoãn, nguy cơ nước Mỹ phải đi chung đường với Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha càng tăng.

Trên đây là ba câu hỏi thách thức tôi nhất mỗi khi tôi đọc tin tức hàng ngày. Nếu bạn tìm ra được một nhà kinh tế cho rằng ông ta biết câu trả lời, hãy lắng nghe chăm chú nhưng giữ lấy cho mình cái nhìn hoài nghi với tất cả những gì bạn nghe được.

Bài viết của N.Gregory Mankiw, giáo sư kinh tế đại học Harvard đăng tải trên tờ New York Times.

Anh Đặng