Ngày 26/12, CTCP Kiên Hùng chính thức niêm yết 10,7 triệu cổ phiếu trên HNX với mã cổ phiếu là KHS.
Hội thảo “Giới thiệu cơ hội đầu tư Công ty Cổ phần Kiên Hùng (KHS)” đã diễn chiều 25/12 tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Hội thảo do HNX, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Công ty Chứng khoán VietinBank), Công ty Cổ phần Kiên Hùng (KHS) phối hợp tổ chức. Theo đó, 10,7 triểu cổ phiếu với mã KHS của Thuỷ sản Kiên Hùng chính thức được niêm yết trên HNX.
Tại Hội Thảo, ông Nguyễn Ngọc Anh, Thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Nhà máy đông lạnh - Công ty Cổ phần Kiên Hùng cho biết: Kiên Hùng được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu hơn 56 tỷ đồng, sau 2 lần tăng vốn, hiện tại Kiên Hùng có vốn 107 tỷ đồng. Đây là công ty đứng đầu cả nước về công suất chế biến bột cá (nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi) với quy mô lên tới 33.000 tấn/năm. Ngoài ra, Công ty cũng là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu mực sushi và cá đông lạnh của tỉnh Kiên Giang.
Sản phẩm đông lạnh của KHS hiện có khoảng 100 mặt hàng khác nhau, tập trung đẩy mạnh thành phẩm thuỷ sản đông lạnh có giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, mặt hàng sushi tươi sống của công ty đã có 13 năm tại thị trường Nhật Bản. Công ty tiếp tục duy trì và mở rộng khách hàng tại các thị trường khác như Canada và Mỹ.
"Tỷ trọng hàng GTGT đang có xu hướng tăng dần, từ 20% lên 35% trong 3 năm trở lại đây và dự kiến đạt trên 50% trong năm 2018. Do đó, định hướng đẩy mạnh mặt hàng này sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng lớn khi dự án nhà máy đông lạnh mới với công suất gấp đôi hiện nay đi hoạt động cuối năm 2018 và dự án nuôi tôm công nghệ cao được triển khai", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Hầu hết khách hàng lớn, truyền thống của KHS đối với mảng bột cá đều là các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất TACN hiện nay. Ngay cả trong giai đoạn ngành TACN gặp phải những khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng nhờ uy tín trong suốt quá trình hoạt đông mà KHS gần nhưng không chịu tác động tiêu cực nào, hiệu quả kinh doanh duy trì tương đối ổn định. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang đẩy mạnh thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Thái Lan…, mục tiêu hướng đến các khách hàng lớn và uy tín về thanh toán giúp cải thiện hơn nữa dòng tiền của doanh nghiệp.
Doanh thu của Kiên Hùng đến từ 2 mảng chính: bán bột cá và thủy sản đông lạnh. Năm 2016, trong 904 tỷ đồng doanh thu thì có 487 tỷ đồng là bột cá (chiếm 53,9%), doanh thu từ bán thành phẩm đông lạnh đạt 405 tỷ đồng (chiếm 44,83%). Thành phẩm đông lạnh xuất khẩu tăng gần 17% so với năm 2015; chủ yếu tập trung tại 2 thị trường Nhật Bản và EU với khoảng 85% sản lượng. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Công ty đạt 29,2 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS 3.900 đồng/cp. Mức cổ tức chi trả đạt 20%.
Thực hiện chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh, trong tháng 10/2017, Công ty đã khởi công xây dựng dự án nhà máy đông lạnh tại KCN Thạnh Lộc. Dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, công suất 3.000 tấn/năm, nâng năng lực chế biến tăng gấp đôi so với hiện tại. Dự án dự kiến được hoàn thiện và bắt đầu cho ghi nhận doanh thu từ 2019.
Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích CTCK VietinBank cho rằng: Kiên Hùng đã thành công trong việc chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào thông qua việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu tại cả thị trường nội địa và nhập khẩu: Yếu tố mùa vụ đã được Công ty khắc phục bằng việc dự trữ nguyên liệu trong những tháng cao điểm để duy trì cho thời gian thấp điểm của nguồn cung ứng (chủ yếu tập trung vào tháng 11 đến tháng 03 hàng năm). Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thu mua nguyên liệu đầu vào gia tăng cũng như sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, Công ty đã nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để giải quyết và duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động tại công ty, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro biến động nguyên liệu.
Dư địa tăng trưởng của Công ty còn nhiều, điều này có được là nhờ các thị trường tiềm năng và các dự án đầu tư nâng quy mô và hiệu quả hạt động, ông Đăng nhận định.
Minh Ngọc