Đạm Hà Bắc kỳ vọng giảm gánh nặng nợ nần

Báo Đầu tư | Ngày cập nhật: Chủ Nhật, 22 Tháng Năm 2022 19:36:00

Việc cơ cấu nợ vay, gồm dừng tính phạt trên số tiền gốc và lãi chậm trả, có thể giúp giảm đáng kể gánh nặng nợ của CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã: DHB).

Cổ phiếu ngược dòng tăng giá

Gần 4 năm kể từ khi đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, Đạm Hà Bắc chưa một lần chi trả cổ tức cho cổ đông. Tình trạng thua lỗ kéo dài và chỉ bắt đầu có lãi từ năm trước (hơn 6,2 tỷ đồng) khiến Công ty vẫn đang chìm trong lỗ lũy kế và chưa thể có nguồn để chi trả cho các cổ đông. 

Song các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu cổ phần DHB có thể hưởng lợi từ chênh lệch giá cổ phiếu các tháng qua, khi cổ phiếu này có thời điểm giao dịch ở mức giá cao kỷ lục (15.200 đồng/cổ phiếu). Trong 6 tuần giao dịch tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ có 15% mã tăng giá và DHB nằm trong số này khi tăng gần 9,6% và có mức thanh khoản khá.

Yếu tố hỗ trợ DHB tăng giá đến từ hoạt động kinh doanh ngày càng khả quan của doanh nghiệp ngành phân bón này. Đạm Hà Bắc giảm lỗ từ quý IV/2020 và bắt đầu có lãi từ quý III năm trước (118 tỷ đồng). Lợi nhuận tiếp tục tăng lên gần 300 tỷ đồng trong quý IV/2021 và gây bất ngờ khi doanh nghiệp này báo lãi ròng 869,2 tỷ đồng quý đầu năm nay.

Diễn biến thuận lợi của thị trường phân bón là động lực chính cho cú bật trong hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc. Ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng giám đốc Công ty cho biết giá NH3 và urea thế giới và trong nước liên tục tăng và duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021. Công ty đã tận dụng tốt cơ hội, nỗ lực đẩy hàng ra thị trường để tăng sản lượng tiêu thụ, doanh thu tăng trưởng mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả so với cùng kỳ.

Trong quý I/2022, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh chính của Đạm Hà Bắc đạt 1.946 tỷ đồng, tăng 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận trong kỳ đã tăng vọt từ 2,26% cùng kỳ năm trước lên 55,9%. Với lợi nhuận gộp cải thiện, chi phí lãi vay dù vẫn duy trì ở mức cao, nhưng không còn bào mòn khoản lãi của Công ty đến mức thua lỗ như cùng kỳ. Đạm Hà Bắc lãi ròng 869 tỷ đồng trong quý I, trong khi quý I/2021 báo lỗ 249 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 4.498 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 8,8 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc đã đạt mức lãi gấp gần 100 lần kế hoạch, mục tiêu doanh thu cũng hoàn thành 43%.

Lãi vay chồng lãi vay “dìm” sâu lợi nhuận

Nợ vay và chi phí lãi là “gánh nặng” nhiều năm nay của Đạm Hà Bắc. Chỉ riêng chi phí lãi trong năm 2021 đã xấp xỉ 980 tỷ đồng. Khoản nợ lớn nhất của Đạm Hà Bắc là các khoản vay để đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Trong đó, hơn 3.042 tỷ đồng vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) lãi suất 10,78%/năm từ năm 2008 và đến hạn năm 2023. 

Dù ghi nhận khoản chi phí lãi vay hơn 200 tỷ đồng trong quý I vừa qua, Đạm Hà Bắc vẫn chưa thực trả khoản này. Chỉ tính riêng khoản lãi vay VDB, con số nợ lãi chưa thanh toán của Đạm Hà Bắc đã lên tới 3.359 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm 2022, xét về dòng tiền, hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc thu ròng 1.369 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Lần đầu tiên, doanh nghiệp phân bón này đạt sản lượng 473.000 tấn urea thành phẩm, tương đương 92% công suất thiết kế. Hoạt động đầu tư cũng thu về hơn 58 tỷ đồng từ thu hồi đầu tư góp vốn.

Dòng tiền của Đạm Hà Bắc ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh, còn lại chủ yếu để chi trả nợ gốc vay với số tiền gần 1.480 tỷ đồng trong quý I. Tiền và tương đương tiền của Công ty đến cuối quý I xấp xỉ 428 tỷ đồng, chiếm 5,6% trong cơ cấu tổng tài sản (7.659 tỷ đồng).

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Ninh, Đạm Hà Bắc đã linh hoạt trong sử dụng các công cụ tài chính và tiến hành mọi biện pháp để chủ động cân đối dòng tiền, đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh và tăng trưởng, trả nợ gốc vay đầu tư, giảm chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn và tăng đều qua các năm do các cơ chế tháo gỡ khó khăn chưa được giải quyết. Lãi mẹ “đẻ” lãi con, Công ty cũng đang phải chịu mức lãi suất phạt cao từ các ngân hàng.

Tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Lê Minh Khái hồi đầu tháng 4 vừa qua, câu chuyện tìm giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm tình trạng tại dự án của Đạm Hà Bắc được đánh giá là “yêu cầu cấp bách”.

Theo lãnh đạo Vinachem - cổ đông lớn nhất đang sở hữu 97,2% vốn Đạm Hà Bắc, Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững nếu không tái cơ cấu tài chính, gồm việc khoanh nợ, giãn nợ, dừng tính phạt trên số tiền gốc và tiền lãi chậm trả. Theo phương án tính toán của Vinachem, nếu tái cơ cấu, Đạm Hà Bắc sẽ lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm. Đây cũng được đánh giá là phương án tốt nhất cho tất cả các bên.

Tuy nhiên, tính khả thi của biện pháp tháo gỡ khó khăn trên phải dựa vào đàm phán giữa doanh nghiệp và chủ nợ. Theo cập nhật mới nhất vào ngày 31/3, Đạm Hà Bắc dù lãi lớn quý I, vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 3.878 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.156 tỷ đồng.

Thanh Thủy