Muốn lớn, doanh nghiệp mía đường phải “cai sữa” bảo hộ

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 2017 09:38:00

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN(ATIGA). Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng không nên tiếp tục bảo hộ, phải để DN“tự lớn”. Điều quan trọng là DN phải đầu tư cho vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất trồng mía, hợp tác với người trồng mía trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Sau khi cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, các DN mía đường trong nước sẽ đối diện với việc phải trực tiếp cạnh tranh với đường mía ngoại giá thấp và có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. 

Áp lực thay đổi ngày càng lớn

Vì vậy, các DN ngành này đang kiến nghị Nhà nước tiếp tục kéo dài chế độ bảo hộ cho ngành mía đường trong nước. Nếu yêu cầu này thành hiện thực, lẽ dĩ nhiên, các nhà máy mía đường vẫn tiếp tục hoạt động tăng trưởng tốt như từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành đường đã được bảo hộ lớn nhất và lâu nhất, nên khi đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, không nên tiếp tục bảo hộ, phải để DN “tự lớn”.

Thực tế, đối diện với việc có thể thua ngay trên sân nhà, nhiều DN mía đường đã bắt đầu tái cơ cấu, hoặc mở rộng quy mô để có thể cạnh tranh được với đường ngoại.

Cụ thể, công ty Mía đường Sơn La đã thông qua kế hoạch vay 177 tỷ đồng đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường ổn định công suất 5.000 tấn mía/năm. Đồng thời, thành lập công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn với vốn điều lệ 139 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Mía Đường Cần Thơ (CASUCO) đã đầu tư cơ giới hóa từ năm 2007, phối hợp với trường ĐH Cần Thơ, các công ty sản xuất máy móc nông nghiệp, hoàn thiện và đa dạng hơn hệ thống máy cơ giới hóa hiện có… 

Đặc biệt, Tập đoàn Thành Thành Công đã sáp nhập hai đầu mối sản xuất mía đường là công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) và công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS). 

Sau khi sáp nhập, SBT sẽ trở thành công ty lớn nhất, nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước, với vùng nguyên liệu lên đến 40.000ha, chiếm 16% diện tích mía nguyên liệu cả nước, cho sản lượng mía 3,4 triệu tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước. 

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô nhà máy cũng đặt ra vấn đề về nguyên liệu đầu vào, ở đây là sản lượng mía để cung cấp cho nhà máy.Theo số liệu của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị tổng kết 22 năm ngành mía đường Việt Nam hồi tháng 9/2017, Việt Nam mỗi vụ chỉ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường.

Lời giải từ người trồng mía

Năng suất mía của Việt Nam đạt 62,6 tấn/ha, tuy nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới, nhưng chỉ trên Pakistan và Indonesia, thấp hơn nhiều so với các nước nhóm đầu như Mỹ 75,41 tấn/ha, Brazil 74,3 tấn/ha, Thái Lan 74,23 tấn/ha… So với năng suất mía bình quân thế giới (70 tấn/ha), thì Việt Nam còn thấp hơn 8,8%.

Điều này đã lý giải vì sao tại thời điểm tháng 9/2017, giá mía ở Việt Nam bình quân là 50 – 55 USD/tấn, cao hơn nhiều so với các nước chuyên trồng mía đường khác, như Brazil chỉ 13 – 16 USD/tấn, Australia 18 – 29 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn… Do đó, giá đường Việt Nam cao gấp 2,5 lần so với Brazil, gần gấp đôi so với Thái lan.

Giá mía – nguyên liệu đầu vào của ngành mía đường hiện đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, dẫn đến giá đường Việt Nam không cạnh tranh được với các nước khác, nhất là “vựa” mía Thái Lan. 

Nguyên nhân của giá mía trong nước cao, một phần là do diện tích trồng mía manh mún khiến việc cơ giới hóa trong canh tác còn rất hạn chế, lạc hậu, năng suất thấp. Phần nữa là do DN đang ép giá nông dân, đối tượng mà VSSA luôn đưa ra làm “lá chắn” cho các yêu sách của mình.

Chẳng hạn, đối với cây mía, lúc thu hoạch, nếu người nông dân không thu hoạch ngay là trổ cờ, hoặc đối diện thiên tai như nước lũ về, hoặc phải trả đất cho chủ…, nên không thể chần chừ. Tuy nhiên, có nhà máy mía đường đang lợi dụng điều này để ép giá nông dân, khiến người trồng mía không thoát được tình trạng thua lỗ.

Điển hình như đầu năm 2015, tại Gia Lai, nơi được coi như “vựa mía” của cả nước, hàng ngàn hộ dân đã phải cay đắng chấp nhận bán mía… đổi đường từ Nhà máy Đường Bình Định. Lý do là vì nhà máy không có tiền trả, nhưng sau đó, chính nhà máy mua lại đường đã trả cho nông dân với giá thấp hơn giá đã bán. 

Với nguyên do đó, người dân chuyển sang trồng các cây khác có giá trị cao hơn như sắn, cây ăn quả,… Diện tích trồng mía vì vậy lại sụt giảm. 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, niên vụ 2016 – 2017, diện tích mía đạt khoảng 219.000ha, thấp nhất trong các năm tính từ 2010 đến nay. Điều này khiến nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường thiếu hụt, không đáp ứng đủ công suất của nhà máy. 

Như vậy, có thể thấy, trong tương lai, các nhà máy đường có đủ nguyên liệu để hoạt động hay không phụ thuộc vào lựa chọn có hay không tiếp tục trồng mía của người nông dân. Với việc diện tích trồng mía giảm như hiện nay, đồng nghĩa với người nông dân đang dần xa rời nghề này. 

Nói cách khác, người trồng mía có lãi ổn định thì DN ngành mía đường mới hy vọng có thể hoạt động ổn định, cạnh tranh được với đường ngoại và “cai” được “bầu sữa” bảo hộ.

Thừa Thiên