Thị trường mía đường: Nghịch lý “trong ngán, ngoài thèm”

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 2017 08:22:00

Tháng 1/2018, khi điều khoản về thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN(ATIGA) có hiệu lực, gần nửa triệu tấn đường nhập lậu có thể “hóa thân” sang đường…chính ngạch để vào Việt Nam với giá rẻ hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) đường trong nước đứng trước nguy cơ bị “hạ đo ván” ngay trên sân nhà.

Khi các điều khoản của ATIGA có hiệu lực vào từ tháng 1/2018, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Các DN ngành mía đường trong nước lo ngại hiện giá đường mía ở các nước trong khối đang thấp hơn giá trong nước và đây sẽ là cơ sở để đường buôn lậu tràn vào Việt Nam.

Thuế về 0%, doanh nghiệp lo đóng cửa

Hiện nay, mặt hàng đường nhập khẩu xuất xứ từ các nước ASEAN có mức thuế chỉ 5%. Nếu ngoài hạn ngạch, thuế nhập khẩu phải chịu mức tới 80% đối với đường thô, 85% đối với đường trắng.

Nhưng sang năm 2018, khi điều khoản về thuế của ATIGA có hiệu lực, thuế xuất, nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN về 0%, đường nhập từ các nước này sẽ thoải mái tràn vào vì không có rào cản nào.

Theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế, hàng năm có khoảng 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam với giá thấp hơn so với trong nước 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Khi thuế về 0, số đường này và nhiều triệu tấn đường khác, sẽ có thể chính thức chuyển từ đường buôn lậu sang đường chính ngạch. Điều này khiến các DN đường trong nước đứng trước nguy cơ bị “hạ đo ván” ngay trên sân nhà.

“Đến năm 2018, các DN mía đường có nhà máy công suất lớn, chủ động được vùng nguyên liệu, giá thành thấp, chuẩn bị tốt sẽ có cửa cạnh tranh. Những DN có nhà máy nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu sẽ chết dần hoặc chọn đóng cửa nhà máy, chuyển sang nhập đường thô về tinh luyện, không thu mua mía của nông dân” – ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, dự đoán đầy bi quan.

Còn đây là cảm thán của đại diện công ty Mía đường Tây Ninh: “Đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 trong số 40 nhà máy đường trong nước hiện nay còn hoạt động”.

Chính vì vậy, đại diện các DN mía đường, VSSA vừa kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết.
Nhưng liệu ngành đường có thực sự “u ám” như các chuyên gia nhận định?

Tương lai được nhận định là u ám, nhưng hiện tại, ngành mía đường đang là một ngành ăn nên làm ra. Điều này được thể hiện rõ trong Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành mía đường cho niên độ tài chính 2016 – 2017.

“Ông lớn” tranh thủ tăng tốc

Trong lĩnh vực mía đường, hầu hết các DN lớn đã áp dụng kỳ kế toán năm theo dương lịch bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 30/6 năm sau. Vì vậy, đến ngày 30/6/2017, hầu hết các nhà máy đường đã kết thúc vụ sản xuất và có tổng kết, báo cáo kết quả kinh doanh.

Theo đó, kết thúc niên độ tài chính 2016 – 2017, công ty Cổ phần (CTCP) Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (HoSE: SBT) công bố doanh thu gần 4.516 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với niên độ tài chính trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 365 tỷ đồng và 338 tỷ đồng, tương ứng tăng 18% và 15%, vượt hơn 16% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) cũng đã kết thúc niên độ tài chính 2016 – 2017 với ghi nhận doanh thu thuần đạt 537,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 163 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước, vượt 169% so với kế hoạch.

Còn CTCP Mía Đường Lam Sơn (HoSE: LSS) đạt doanh thu thuần 2.395,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 137,3 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 19% và 35% so với năm trước, trong khi lãi ròng cổ đông công ty mẹ lại tăng 29%, đạt 127 tỷ đồng, đều vượt xa kế hoạch đã đề ra.

CTCP Đường Biên Hòa (BHS) đạt mức 5.355 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22,7% so với năm trước; biên lãi gộp giảm còn 11,8% so với mức 13,8% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 303 tỷ đồng, tăng 22,2%, vượt xa kế hoạch.

Với mức lợi nhuận như vậy, không khó để có thể hiểu vì sao các DN ngoài ngành đang nhăm nhe tiến quân vào thị trường mía đường.

Điển hình là việc Vinamilk đầu tư vào CTCP Đường Việt Nam (Vietsugar) tại tỉnh Khánh Hòa. Với công ty này, Vinamilk mong muốn mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

“Ngành mía đường đã được bảo hộ nhiều năm, đây là thời điểm hội nhập để ngành mía đường thay đổi nhằm phát triển tốt hơn”, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, phát biểu tại buổi ra mắt Vietsugar.
Gs. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng đã ký kết tuân thủ cuộc chơi ATIGA thì phải chấp nhận các điều khoản của hiệp định. Ngành mía đường muốn cạnh tranh với thế giới phải thay đổi, không thể cứ xin bảo hộ, bao cấp mãi. 

Lấy ví dụ ngay tại công ty mình, người thâu tóm đến 30% thị phần đường trong nước – ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công Group, cũng cho biết thay vì xin bảo hộ, STB đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc ứng dụng giải pháp công nghệ vào trong quá trình sản xuất. Chính vì thế, bên cạnh sản xuất, kinh doanh đường trong nước, DN còn xuất khẩu đường sang Trung Quốc, Indonesia…

Như vậy có thể thấy, nếu chịu thay đổi và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, tương lai ngành mía đường Việt Nam vẫn “sáng”. 

Thừa Thiên