Hiện nay, các nhà thầu xây dựng lớn như CTD, HBC đều đẩy mạnh mảng công trình thiết kế và thi công (D&B) và đặt mục tiêu cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế tại các công trình siêu cao tầng, độc đáo.
Trải qua giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, tín dụng bị thắt chặt, có nhà thầu đã phải thu hẹp quy mô nhưng cũng có đơn vị liên tục tăng trưởng. Chính những đơn vị tiếp tục tăng trưởng tạo nên diện mạo mới cho thầu xây dựng Việt, đủ năng lực cạnh tranh với nhà thầu quốc tế tại những công trình lớn.
Thay đổi cuộc chơi
Các đơn vị thầu xây dựng trên thị trường vốn nổi tiếng với danh xưng “tay không bắt giặc”, tức quy mô vốn tự có thấp, vốn hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Ví dụ như Xây dựng số 3 (VC3) giai đoạn 2013-2015 có cơ cấu nợ phải trả chiếm trên 80% tổng nguồn vốn, đến cuối quý III/2017 giảm xuống 60%; Xây dựng Hòa Bình (HBC) không kém cạnh với tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn dao động trên dưới 80% duy trì từ 2013 đến nay; Licogi 14 (L14) thậm chí duy trì tỷ lệ này trên 90% trong 2013-2014 và mới giảm mạnh xuống 62% tính đến cuối quý III/2017.
Mặc dù vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn nhưng việc duy trì cơ cấu vốn rủi ro khiến một số đơn vị thầu xây dựng gặp không ít khó khăn trong vài năm trở lại đây khi tín dụng bị thắt chặt và phải dần thu hẹp quy mô hoạt động.
Từ 2014 đến nay, VC3 cho biết rơi vào tình trạng công nợ phát sinh kéo dài, có những đội sản xuất mất cân đối về tài chính, công việc ít do không phát triển được việc làm và nguy cơ khủng hoảng việc làm. Do vậy, tính đến cuối quý III/2017, quy mô tổng nguồn vốn của đơn vị đã giảm 26% so với đầu năm xuống còn 847 tỷ đồng. Trong khi suốt 4 năm (2014 – 2016), tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị vào khoảng 1.150 tỷ đến 1.300 tỷ đồng.
Tương tự, suốt giai đoạn 2014 – 2016, quy mô tổng nguồn vốn của L14 trầy trật lên xuống quanh mức 450 tỷ đến 530 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý III năm nay thì đã giảm mạnh từ 445 tỷ thời điểm đầu năm xuống 349 tỷ, giảm 21,6%.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà thầu năng lực cạnh tranh tốt và duy trì đà tăng trưởng nhảy vọt. Quy mô hoạt động của HBC vẫn tăng trưởng rất mạnh, năm 2013 chỉ ở mức 4.726 tỷ nhưng 2016 đã tăng lên 11.449 tỷ, 9 tháng 2017 tăng trưởng thêm 17% so với đầu năm lên 13.317 tỷ đồng. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của HBC vẫn duy trì ở mức cao 83%.
Trong một thông báo mới đây, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HBC cho biết tính đến 31/10/2017, công ty đã trúng thầu trên 18.000 tỷ đồng và một số dự án đang dự thầu có khả năng trúng rất cao. Ông Hải cũng giải thích thêm do tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh, chỉ trong vòng 2 năm đã tăng hơn 3 lần nên khoản phải thu khách hàng và nợ vay tín chấp ngân hàng đồng thời tăng cao. Những khoản này được các ngân hàng và công ty kiểm soát rất chặt chẽ trong phạm vi quản trị rủi ro theo quy chế của ngân hàng, các dự án thi công không có nguy cơ phát sinh đáng kể các khoản nợ khó đòi.
Nằm ngoài vòng xoáy rủi ro của ngành, Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) khá an toàn với tỷ lệ nợ trên tổng nguồn ở mức 49%. Tốc độ tăng trưởng quy mô của CTD giai đoạn 2013 – 2016 cũng mạnh không kém cạnh HBC, từ 4.552 tỷ đồng lên 11.740 tỷ đồng, 9 tháng 2017 tăng trưởng 14% lên 13.439 tỷ.
Theo báo cáo cập nhật của CTCK Rồng Việt (VDSC), nửa đầu năm CTD đã ký mới 14.300 tỷ đồng giá trị hợp đồng, khối lượng công việc khoảng 26.181 tỷ đồng, con số này chưa bao gồm giá trị tại dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát (HPG).
Cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài
Theo Công ty chứng khoán Sen Vàng, tốc độ đô thị hóa gia tăng là nền tảng tăng trưởng cho ngành xây dựng. Báo cáo triển vọng đô thị hóa thế giới cho biết tốc độ tăng dân số bình quân của Việt Nam là 1,2 – 1,5%/năm và tốc độ tăng trưởng đô thị trung bình là 3,4%/năm nhưng mức tăng vẫn thấp hơn nhiều so với Asean và các nước khác trên thế giới. Do vậy, tiềm năng tăng trưởng phân khúc nhà ở trong nước còn rất lớn, nhu cầu văn phòng tăng mạnh mẽ và phân khúc công nghiệp – kho vận tiếp tục hoạt động tốt nhờ dòng vốn FDI mạnh.
Là đơn vị đầu ngành, CTD có định hướng trở thành tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam, thực hiện các công trình tổng thầu, công trình thiết kế và thi công (D&B), công trình EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trong đó có những công trình phức tạp như dự án siêu cao tầng The Landmark 81 có chiều cao 461 m. Năm 2016, riêng mô hình D&B đã đóng góp 40% vào tổng doanh thu của CTD.
CTD kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động xây dựng giai đoạn 2017 – 2022 đạt mức bình quân 10 – 20%/năm.
Trong mục tiêu phát triển, HBC cho biết định hướng tăng cường hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới nhằm đảm bảo năng lực tổng thầu D&B, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Riêng với mảng D&B, năm 2016 HBC đã nâng tỷ trọng giá trị các hợp đồng ký mới lên 17%.
Chia sẻ gần đây với báo giới, ông Lê Quốc Duy, Thành viên HĐQT - Phó tổng giám đốc HBC cho biết đối với nhiều dự án phức tạp các nhà đầu tư hầu hết đều tìm đến nhà thầu quốc tế do không tin tưởng năng lực thực hiện của nhà thầu nội địa. Trước đây, HBC làm nhà thầu phụ cho nhà thầu Hàn Quốc ở dự án Kengnam Hà Nội 70 tầng, sau đó đã vượt qua nhà thầu quốc tế để làm nhà thầu chính cho dự án Vietinbank Tower tại Hà Nội cao 363 m và dự án Saigon Center với 26 m tầng hầm. Đồng thời, nhờ việc liên doanh với các đối tác nước ngoài mà công ty tham gia được những công trình vốn chỉ dành cho nhà thầu quốc tế, mới đây nhất là liên doanh với nhà thầu Nhật Bản Kajima nhận thầu dự án Aeon mall Hà Đông.
Hòa Bình tiếp tục nhắm tới các dự án về hotel và resort, đặc biệt là những tổ hợp dự án du lịch và nghỉ dưỡng đầy tiềm năng ở Vân Đồn – Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ được triển khai trong năm tới. Ông Duy cho biết năm 2017, tỷ trọng ở mảng resort, hotel của tập đoàn chiếm 25% tổng doanh số hợp đồng trúng thầu của cả năm.
"Năm 2017, Hòa Bình ước đạt doanh thu 16.500 tỷ đồng, tức vượt 5% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế có thể vượt 10% - 15% kế hoạch, đạt khoảng 920 - 960 tỷ đồng. Năm 2018, HBC đặt mục tiêu doanh thu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.100 tỷ đồng", ông Duy nói.
Đồng thời, cả CTD và HBC đều có phương án tăng vốn điều lệ để đảm bảo an toàn tài chính. Năm 2016, CTD đã tăng vốn mạnh từ 468 tỷ đồng lên 770 tỷ đồng, ĐHĐCĐ thường niên 2017 cổ đông đã thông qua phương án mở room ngoại từ 49% lên 60% chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trong khi HBC đều đặn tăng vốn từ 518 tỷ lên 954 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 – 2016, hiện cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ khoảng 18 triệu cổ phiếu để cơ cấu nợ vay và bổ sung vốn lưu động.
Ngọc Điểm