Ngành gỗ vẫn còn nhiều dư địa

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 21 Tháng Hai 2022 15:54:00

Mặc dù ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong phần lớn thời gian của năm, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt sự kỳ vọng, chính vì vậy các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2022 ngành gỗ vẫn còn dư dịa phát triển…

Theo thống kê, năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ Việt Nam tăng trưởng 19,7% so với năm 2020. Trong đó, thị trường Mỹ tăng trưởng 22,4%, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong năm 2021 trị giá xuất khẩu của nhóm gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 14,81 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,44 tỷ đô la so với năm 2020. Trong số các nhóm hàng đạt trên 10 tỷ đô la nếu so sánh với năm 2019 thì đây là nhóm hàng có mức tăng khá tốt với 4,16 tỷ đô la, tương ứng tăng 39%, trong khi một số nhóm khác lại giảm so với năm 2019.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, trong năm 2021, sở dĩ xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn tăng trưởng là do thị trường tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu, đặc biệt trong phân khúc đồ gỗ gia đình ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều tăng trưởng. Hơn thế, đến quý 2/2021 Việt Nam không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi các quốc gia xuất khẩu chính khác đều gặp khó khăn, đặc biệt Trung Quốc vẫn chịu thuế suất cao khi xuất vào thị trường Mỹ. Đáng chú ý, các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết với các nước và khu vực đã có hiệu lực với thuế suất về 0% hoặc rất thấp so với trước đây đã làm tăng tính cạnh tranh ngành gỗ Việt Nam.

Trong năm 2021, sự tiếp nối có hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, có nhiều lợi thế trong tiếp cận các thị trường khó tính, cũng như gia tăng sức cạnh tranh đối với nhiều mặt hàng cùng loại của các quốc gia khác. Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ cũng không ngoại lệ. Theo các chuyên gia kinh tế, việc chủ động được 70% nguyên liệu gỗ và ván trong nước và lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ cũng giúp duy trì chi phí sản xuất cho doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh so với sản phẩm xuất khẩu của các nước khác. Hơn thế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp gỗ Việt đẩy mạnh việc gia công cho các sản phẩm gỗ, đây là giai đoạn tất yếu trong việc phát triển ngành công nghiệp gỗ nội thất Việt Nam. Khi doanh nghiệp ngành gỗ đã tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức, tài chính, đối tác… họ sẽ chủ động có những dịch chuyển và đầu tư hợp lý cho khâu thiết kế, bán lẻ, thương hiệu.

Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã chuyển đổi phương thức để thích ứng. Nhờ đó, một số doanh nghiệp đã duy trì được kết nối với các khách hàng quốc tế qua hệ thống showroom ảo trực tuyến, làm chủ được quá trình giao tiếp với khách hàng qua website, phần mềm họp trực tuyến Zoom… Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ mới công nghệ cao để tăng công suất và giá trị. Một số doanh nghiệp còn đầu tư bài bản về những hệ thống ERP, CRM… để làm nền tảng cho chuyển đổi số.

Khẳng định thị trường cho ngành gỗ còn rộng. Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, đối với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ. Mặc dù vậy, hiện lượng hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 1% so với tổng số hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác vào Anh. Chính vì vậy, Vương quốc Anh vẫn còn rất nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam; trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.

Ngoài ra không thể không kể đến thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thừa nhận với dân số gần 100 triệu người và thu nhập bình quân tăng liên tục, thị trường nội địa vẫn đang được khai thác tốt từ các nhà sản xuất, phân phối trong nước với sản phẩm đa dạng cả trong nước lẫn nhập khẩu do nhu cầu sử dụng khác nhau. Hiện nay tốc độ đô thị hóa cũng như sự phát triển của thị trường BĐS du lịch dù có chậm lại nhưng thị trường đồ gỗ trong nước vẫn còn rất tiềm năng trong các năm tới.

“Với những lợi thế trên, ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ đô la Mỹ đến 2025. Nhìn vào sự ổn định của thị trường thế giới, mục tiêu này có thể sẽ đạt được sớm hơn 1 năm, tức là vào năm 2024”, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

Ngọc Hậu