Mùa Đại hội cổ đông: Mục tiêu khiêm tốn

NCĐT | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 17 Tháng Ba 2011 08:02:00

Câu chuyện huy động vốn, chỉ tiêu kinh doanh và phân phối lợi nhuận sẽ tiếp tục là 3 vấn đề được cổ đông quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, chỉ tiêu lợi nhuận mới là tâm điểm để cổ đông “dòm ngó” trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm 2011 được vẽ ra một cách khá thận trọng.

Mặc dù mới vào mùa đại hội cổ đông nhưng không khí đã thực sự nóng. Theo lịch sự kiện do trang web CafeF tổng hợp, chỉ trong tháng 3, có gần 120 công ty đăng ký tiến hành họp đại hội cổ đông thường niên. Nếu tính cả doanh nghiệp đã triển khai tổ chức đại hội cổ đông sớm từ tháng 1, tháng 2, con số này xấp xỉ 200 công ty. Nghĩa là 1/3 số doanh nghiệp niêm yết đã và đang chạy đua nước rút trong việc chuẩn bị, trình cổ đông xem xét các kế hoạch hoạt động của mình.

Chỉ tiêu khiêm tốn

Câu chuyện huy động vốn, chỉ tiêu kinh doanh và phân phối lợi nhuận sẽ tiếp tục là 3 vấn đề được cổ đông quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, chỉ tiêu lợi nhuận mới là tâm điểm để cổ đông “dòm ngó” trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Dựa trên kế hoạch kinh doanh dự kiến năm 2011 do một số doanh nghiệp công bố cũng như căn cứ vào nghị quyết đại hội cổ đông ở các công ty, có thể thấy, bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm 2011 được vẽ ra một cách khá thận trọng.

Cụ thể, bên cạnh những doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 20-30% như Sacombank (STB), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty Cổ phần Kim khí TP.HCM (HMC) hay một số ít doanh nghiệp có dự kiến chỉ tiêu vượt bậc như Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), Công ty Chứng khoán Công Thương (CTS), nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn chọn chỉ tiêu lợi nhuận ở mức khá thận trọng.

Chẳng hạn, năm 2010, mặc dù Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) đạt 10.000 tỉ đồng doanh thu và 240 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tức vượt 30% và 60% so với kế hoạch đề ra nhưng PET lại tỏ ra thận trọng khi giữ nguyên doanh thu và giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 xuống 8,3% so với năm 2010.

Hay dù nằm trong nhóm ngành cao su đầy triển vọng nhưng Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) vẫn giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2011. Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 của PHR giảm xuống 22%, của HRC giảm 28,2% so với năm 2010.

Thậm chí, dù được đánh giá tiềm năng và kinh doanh đầy triển vọng nhưng Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) cũng chọn mục tiêu an toàn, với lợi nhuận sau thuế dự kiến 129 tỉ đồng, giảm 40,54% so với lợi nhuận năm 2010.

Nhìn từ thực lực?

Trên thực tế, có lý do để các doanh nghiệp trở nên thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2011. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVS), chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng (giảm dưới 20%), thắt chặt tiền tệ và tài khóa cùng thông tin tăng giá nhiều mặt hàng thiếu yếu (xăng, điện đều tăng) đã, đang và sẽ tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước mắt, vấn đề vay vốn từ ngân hàng của doanh nghiệp đã khó lại càng khó thêm. Vì thế, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP), cho biết: “RDP sẽ tập trung tìm kiếm nguồn tài trợ, kiểm soát hàng tồn kho, công nợ, chi phí, tính toán kỹ khi sử dụng vốn nhằm giảm thiểu chi phí tài chính”. Riêng doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu được dự báo sẽ sụt giảm vì giá nguyên liệu, lãi suất, tỉ giá đều tăng.

Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình đặt chỉ tiêu lợi nhuận từ các năm trước, có thể thấy, kế hoạch lợi nhuận thấp gần như là một chiến lược thường được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, PGD có doanh thu, lợi nhuận thực hiện luôn vượt xa so với kế hoạch đề ra. Năm 2010, doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PGD đã lần lượt tăng 132,09% và 214,66% so với kế hoạch.

Sang năm 2011, ngay cả khi dựa trên lý do giá mua khí từ nhà cung cấp phải tăng thì giới phân tích vẫn cho rằng PGD vẫn không cần phải quá khiêm tốn trong chỉ tiêu. Giả sử giá mua khí đầu vào được nâng lên mức tối đa theo như hợp đồng đã ký, tức mức 4,98 USD/MMBTU (1 MMBtu = 28,26 m3 khí đốt tự nhiên ở nhiệt độ quy định và áp lực) thì theo tính toán của StoxPlus, giá bán khí đầu ra của PGD cũng tăng tương ứng. Đó là chưa kể đến việc chỉ tiêu sản lượng của PGD có thể sẽ tăng 37,75% so với năm 2010 nhờ 2 dự án phân phối khí cho khu công nghiệp sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6.2011.

Rõ ràng, ở góc độ nào đó, chỉ tiêu lợi nhuận đã không phản ánh đúng kỳ vọng của ban điều hành của các doanh nghiệp.