Rẻ như...cổ phiếu

TBKTSG | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 10 Tháng Ba 2011 08:58:00

Không ai có thể ngờ sau năm 2010 xuống dốc, đầu năm nay giá cổ phiếu còn thảm hại như thế.

Vào tháng 2/2009 khi thị trường chứng khoán ở đáy 234 điểm, cổ phiếu của Công ty nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) có giá gần 30.000 đồng. Cuối tháng 11/2010 khi VN-Index chạm mức 425 điểm, TDH có giá xấp xỉ 27.000 đồng/cổ phiếu. Bây giờ giá TDH chỉ còn 25.000 đồng/cổ phiếu cho dù năm ngoái công ty đạt lợi nhuận sau thuế 252 tỉ đồng trên vốn điều lệ 379 tỉ đồng, tính ra P/E đang ở mức 3,5 lần và giá giao dịch chỉ bằng 67% giá trị sổ sách.

Những cổ phiếu như TDH trên cả hai sàn hiện lên tới hàng trăm. Còn cổ phiếu dưới mệnh giá nhiều vô kể. Cổ phiếu sách (các công ty in ấn, kinh doanh sách giáo khoa và thiết bị trường học) giá còn 5.000 – 6.000 đồng đồng dù vẫn làm ăn có lãi. Có công ty như Bê tông Biên Hòa (HNX: BHC) chuẩn bị chia cổ tức 12% bằng tiền mặt giá vẫn rớt dần đều về 8.000 đồng/cổ phiếu…

Không ai có thể ngờ sau năm 2010 xuống dốc, đầu năm nay giá cổ phiếu còn thảm hại như thế. Có nguyên nhân từ sự bất ổn của các yếu tố kinh tế vĩ mô khiến niềm tin nhà đầu tư nguội lạnh, nhưng trên hết vẫn là sự phản ứng thái quá của một thị trường cận biên như Việt Nam, nơi đầu tư theo tâm lý bầy đàn là chủ đạo, nơi các nhà đầu tư tổ chức không đóng nổi vai trò người tao lập thị trường. Gần như toàn bộ thị trường trong chờ vào nhà đầu tư ngoại. Một nhà đầu tư nước ngoài tính toán, hiện nay chỉ cần một quỹ đầu tư có vốn 200 triệu đô la Mỹ và cái mác ngoại quốc là đủ sức “thao túng” thị trường.

“Thao túng” hiểu theo nghĩa của ông là kéo thị trường đi lên hay đi xuống. Chứng khoán Việt Nam đang cần một người dẫn dắt. Tiếc rằng không tổ chức nội địa nào gánh vác trách nhiệm ấy dù họ có tiềm lực trong tay. Các quỹ đầu tư nội, các công ty chứng khoán, tài chính có số vốn tư vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng/đơn vị vẫn đứng ngoài chờ hoặc tính toán một cách không rõ ràng chuyển đổi sang mô hình khác để dễ kinh doanh như Kim Long. Đó không còn là sự thận trọng để bảo toàn vốn.

Thị trường gnay lập tức đã có phản ứng. Cổ phiếu của các công ty chứng khoán sau sự kiện Kim Long đã và tiếp tục giảm sâu và sự phân hóa cho dù chưa thật đậm nét bắt đầu diễn ra. Quan sát cận cảnh cho thấy ngoảnh mặt với cổ phiếu chứng khoán, nhà đầu tư bắt đầu “nhặt nhạnh” những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, ít vay vốn ngân hàng, có khả năng tăng trưởng lợi nhuận. Họ “nhặt” rất từ từ, đều đặn, xung quanh giá vùng đáy. Thể hiện rõ nhất là cổ phiếu ngân hàng.

Ý kiến của nhà đầu tư bảo thủ cho rằng ngân hàng vẫn là nơi minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ nhất trong số các doanh nghiệp. Nhà đầu tư cấp tiến cho rằng ngân hàng ở giữa doanh nghiệp và nền kinh tế. Khó khăn đến mấy, họ cũng có lợi nhuận. Chẳng hạn lãi suất huy động cao, thì lãi suất cho vay cao, chênh lệch lãi suất đầu vào-đầu ra của ngân hàng vẫn được đảm bảo. Mỗi nhà đầu tư có một góc nhìn nhưng trong thời buổi lạm phát kéo dài, nhiều lúc khuyến mãi cũng không có người mua, thì nhìn nhận về cổ phiếu ngân hàng và giao dịch loại cổ phiếu này hiện tại còn mang tính tích cực. Liệu cổ phiếu ngân hàng có là ánh sáng cuối đường hầm cho chứng khoán?

Hải Lý