Doanh nghiệp điện tử tìm cơ hội vào chuỗi

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Hai 2017 10:56:00

Các DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị về năng lực cạnh tranh và công nghệ để có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và góp phần thực chất đưa Việt Nam thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử vào năm 2030.

“Trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc sản xuất ra sản phẩm điện tử "made in Vietnam" không quan trọng bằng việc xem xét tỷ trọng đóng góp của DN nội địa trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện tử Việt Nam cũng như của thế giới. Đó mới là yếu tố quyết định”, bà Đỗ Thị Thúy Hương - đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam chia sẻ nhận định về quy mô và năng lực cạnh tranh của ngành điện tử Việt Nam.

Ngành điện tử đang hụt hơi

Ông Cao Bảo Anh đại diện Cục Công nghiệp cho biết, một vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp điện tử có bước phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến của nhiều DN FDI như Samsung, LG, Intel…  Từ năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam dự kiến vượt ngưỡng 70 tỷ USD.

Với kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử chiếm 95%, những “người khổng lồ” quốc tế này đã khiến diện mạo ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có bước thay đổi tích cực, đáng ghi nhận... Song nó cũng phản ánh vai trò của DN trong nước rất mờ nhạt, thiếu sức sống. Phần lớn DN nội vẫn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.

Không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng. Điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% doanh số nhưng chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Trong một thời gian dài ở Việt Nam đã có quá nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng hiệu suất đầu tư toàn ngành thấp.

Một số DN có đầu tư nghiên cứu về khoa học công nghệ để sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ thông tin mạnh, có chiều sâu nhưng bị khó khăn do đầu ra. Nhất là liên quan đến mua sắm của các DNNN và đơn vị nhà nước. Việc bị loại hồ sơ mời thầu do một số yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đã mặc nhiên loại bỏ các DN sản xuất trong nước rất nhiều.

Bệ đỡ cho ngành dường như đang trông vào các DN có vốn FDI, nhưng thực tế cho thấy các DN FDI không tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ tại Việt Nam mà chủ yếu sản xuất tận dụng nhân công trong nước giá rẻ.  Thiết bị điện tử công nghiệp chưa được chú trọng đúng mức, thị trường đang bỏ ngỏ. Chỉ 10% giá trị hàng điện tử công nghiệp và 10% giá trị hàng điện tử phục vụ an ninh quốc phòng mà toàn ngành đặt ra vẫn chưa đạt được.

Công nghiệp sản xuất linh kiện không đáng kể vì cần có vốn đầu tư lớn, hơn nữa trong cả một thời gian dài thuế nhập khẩu linh kiện (5%) lại thấp hơn thuế nhập khẩu vật tư để sản xuất ra linh kiện nên sự mất cân đối giữa lắp ráp sản phẩm và sản xuất phụ tùng linh kiện càng gia tăng.

Gắn thu hút FDI với chuyển giao công nghệ

Từ nay cho đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam sẽ tăng từ 7,3% lên 11,9%.  Cùng với lực hấp dẫn đó các DN FDI đang và sẽ hoạt động ở Việt Nam không chỉ có một thị trường trong nước trên 90 triệu dân với thu nhập trên 2.000 USD/người/năm mà là một thị trường toàn cầu với các hiệp hội thương mại tự do mới. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia với việc hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, thuế quan giảm xuống 0%, thời gian tới đòi hỏi nhà nước cần sớm triển khai những nội dung trên một cách mạnh mẽ và kịp thời. Các DN Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị về năng lực cạnh tranh và công nghệ để có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và góp phần thực chất đưa Việt Nam thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử vào năm 2030.

Ông Bùi Bài Cường, Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mỗi DN cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương đề xuất trong mô hình “Chính phủ kiến tạo”, nhà nước nên thoát ly khỏi vai trò là chủ đầu tư, chủ DN; Tập trung vào việc xây dựng thể chế, đóng vai trò “bà đỡ” để các DN nội địa tham gia được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo đó cần thực thi luật nghiêm và công bằng đối với mọi thành phân kinh tế và DN; Xây dựng chính sách hỗ trợ các DN điện tử như đất đai, miễn giảm thuế thu nhập như đối với DN FDI. 

Đặc biệt cần xây dựng các chính sách gắn thành điều kiện để các DN FDI chuyển giao các cấu phần gia công, cung cấp linh kiện cho  DN nội địa. Thực tại cho thấy, một số thỏa thuận tự do hóa thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa ký kết gần đây (TPP, EVFTA…) có thể khuyến khích hình thành các nhà máy chế tạo các sản phẩm trung gian trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. “DN Việt Nam sẽ chỉ được hưởng lợi khi có cơ hội được nhận chuyển giao công nghệ và thị trường trong các chuỗi khi tham gia vào khâu này”, bà Hương nhìn nhận.

Tuy nhiên, cần xây dựng cơ chế tránh để các MNCs đem các đối tác truyền thống sang Việt Nam đầu tư, thậm chí là đem cả vốn, lao động sang Việt Nam đầu tư và “nẫng tay trên” thành quả đàm phán của Chính phủ Việt Nam, lợi ích mà nền kinh tế Việt Nam thu được trong trường hợp này là rất nhỏ, các DN nội địa thì có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Chính phủ cũng cần có những cơ chế ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất đối với những gói mua sắm của Chính phủ, nhằm tạo lợi thế ban đầu cho DN sản xuất điện tử của Việt Nam.

Hồng Nhật