Việc hàng loạt doanh nghiệp ngành điện chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết trên sàn với khối lượng cực lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), hay 3 tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang được nhà đầu tư chờ đợi và kỳ vọng tạo động lực mới cho thị trường chứng khoán năm 2018.
Một năm thành công của doanh nghiệp ngành điện
Mặc dù năm 2017 chưa kết thúc nhưng có thể nói doanh nghiệp ngành điện đã có một năm thành công so với năm 2016. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp thủy điện có những diễn biến gần như trái ngược với chuyển động tiêu cực trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp thủy điện đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Điển hình như Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung với doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 đạt 584 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận đạt 265 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ 2016, vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà Đại hội đồng cổ đông thông qua (221,32 tỷ đồng). Nếu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra trong 3 tháng cuối năm, dự kiến cả năm 2017, Thủy điện Miền Trung sẽ đạt xấp xỉ 390 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, và như thế sẽ vượt khoảng 76% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn 9 tháng đầu năm cũng đã thực hiện vượt 4% kế hoạch doanh thu và vượt 14% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2017, Công ty cổ phần Thủy điện - Điện lực 3 đạt 74,7 tỷ đồng doanh thu, hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu về 49,2 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện cũng rất khả quan. Báo cáo tài chính 9 tháng của Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, doanh thu thuần đạt 7.055 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng gần 22 lần so với con số 16 tỷ đồng tạo ra trong 9 tháng đầu năm 2016.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết, sang năm 2018, các tên tuổi lớn của ngành điện cùng chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng như PV Power (công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) hay 3 tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Genco 1, Genco 2 và Genco 3) sẽ mang đến cho nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn mới.
PV Power và thế mạnh điện khí
PV Power là một trong 3 “trụ cột” của ngành điện Việt Nam cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP. Hàng năm, PV Power đóng góp 13% sản lượng điện thương mại toàn quốc, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Các nhà máy sản xuất điện của PV Power tập trung vào 3 nhóm chính: Thủy điện, nhiệt điện chạy than và nhiệt điện chạy khí. Trong đó, nhiệt điện khí là thế mạnh của PV Power khi dẫn đầu cả về công suất thiết kế và sản lượng sản xuất.
Hiện tại, PV Power đang quản lý 4 nhà máy điện khí: Cà Mau 1 và Cà Mau 2 (1.500 MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW), với tổng công suất 2.700 MW. PV Power dự kiến đưa vào khai thác hai nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng công suất là 1.500 MW trong năm 2020 và 2021.
PV Power là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện khí và có nhiều ưu thế, kinh nghiệm trong việc phát triển các nhà máy điện khí ở Việt Nam. Ngoài ra, PV Power cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, cung ứng than và các dịch vụ khác có liên quan nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh cho lĩnh vực kinh doanh chính. Đây cũng là nhóm được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động khi một trong các thành viên là Công ty CP Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) - công ty con của PV Power, quản lý và vận hành Nhà máy Nhơn Trạch 2 - duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 20%/năm và chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn.
Xếp thứ hai là nhiệt điện than với Nhà máy Vũng Áng 1 (1.200 MW) và xếp thứ ba là nhóm thủy điện với 3 nhà máy: Hủa Na, Đak Đrinh và Nậm Cắt, tổng công suất 308,2 MW.
Nhu cầu về điện dự báo tăng cao
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch cùng Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức phát hành vào ngày 20/9 cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam có thể tăng từ 54 MTOE năm 2015 lên mức 81,9 MTOE cho kịch bản kém khả quan, 89 MTOE cho kịch bản thông thường và 93,3 MTOE cho kịch bản khả quan trong năm 2025. Đến năm 2035, nhu cầu năng lượng của Việt Nam cho các kịch bản trên có thể đạt lần lượt là 112 MTOE, 134,5 MTOE và 156,5 MTOE.
Trong giai đoạn 2016 - 2035, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng thêm 4,7%/năm cho kịch bản thông thường. Còn đối với kịch bản kém khả quan và khả quan, con số này lần lượt là 3,7%/năm và 5,5%/năm. Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn sau khi tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế giảm dần.
Trong số rất nhiều nguồn cung ứng năng lượng, nhu cầu năng lượng từ điện tăng trưởng cao nhất với tốc độ 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2035 cho kịch bản thông thường. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2026 - 2035, nhu cầu về điện sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ là 4,3%/năm. Nhu cầu về khí gas tự nhiên, các sản phẩm từ dầu và than tăng trưởng lần lượt là 5,7%/năm, 5,1%/năm và 2,9%/năm.
Thế Anh