Ngành bán lẻ Việt Nam đang vận động, thay đổi mạnh mẽ để tương thích và tồn tại trong giai đoạn mới. Theo đó, doanh nghiệp (DN) buộc phải cộng hưởng tốt giữa hai phương thức bán hàng online và bán hàng trực tiếp (offline), với chuỗi dịch vụ trọn gói từ mua sắm, thanh toán, đến giao hàng.
Theo HSBC, Việt Nam đang nổi lên như một “con rồng” trong ngành bán lẻ. Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Trong báo cáo về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố hồi tháng 6/2017, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6, cải thiện 5 bậc (từ hạng 11) so với xếp hạng năm 2016. Đây là vị trí cao nhất trong 16 năm qua của Việt Nam trong bản xếp hạng GRDI.
Phát triển “vũ khí” online
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.248,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7%, cao hơn mức tăng 8,4% của cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, công nghệ đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Kết quả điều tra ngành bán lẻ của PwC cho thấy, 49% người dùng có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại thông minh (smartphone) ít nhất hàng tháng.
Xu thế trên khiến nhiều nhà bán lẻ chuyển hướng sang tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng. Phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng để tăng thêm hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng.
Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi, đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống.
Tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại cộng dồn 12 tháng từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống, sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.
Ngành bán lẻ đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online. Việc phân loại đối tượng khách hàng mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh tương thích đòi hỏi các nhà bán lẻ cần đầu tư rất nhiều nguồn lực.
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong ngành bán lẻ không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu. Nhưng theo các chuyên gia, thương mại điện tử chưa thể lấn át và thay thế kênh bán hàng trực tiếp (offline).
Khảo sát cho thấy hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng vẫn rất là kênh chính trong hoạt động bán lẻ của DN. Đây là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ vẫn ra sức bành trướng quy mô số lượng cửa hàng.
Cộng hưởng online và offline
Ngay cả những người khổng lồ về thương mại điện tử như Amazon, Alibaba cũng đang tìm cách quay trở lại thế giới thực. Điển hình như Amazon đã mở cửa hàng sách đầu tiên của mình vào tháng 11/2015 tại Seattle (Mỹ), còn Alibaba cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 1/2016.
Các cửa hàng làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận, nhưng ngược lại, thương mại điện tử cần không gian trải nghiệm để kết nối các khách hàng trung thành, thân thiết hơn. Vì vậy, sự kết hợp giữa online và offline là chìa khóa quyết định thành bại của các nhà bán lẻ.
Sự kết hợp giữa online và offline đang là một xu hướng mới trong ngành bán lẻ, khi các “ông lớn” thương mại điện tử đang chú ý hơn đến các cửa hàng và nỗ lực kết hợp những sự trải nghiệm mua sắm trực tuyến và truyền thống thông qua việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn.
Tỷ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba, là một trong những người đi tiên phong trong cuộc thử nghiệm mô hình “bán lẻ kiểu mới”. Đơn cử, Hema Xiansheng – một chuỗi cửa hàng bán thực phẩm tươi sống được Alibaba đầu tư – cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến và giao hàng trong vòng 30 phút sau đó.
Trong hai năm qua, Alibaba cũng đã tiến hành một loạt thương vụ trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống, mới nhất có việc thỏa thuận hoán đổi cổ phần với tập đoàn Suning Commerce Group và thỏa thuận sáp nhập với chuỗi bán lẻ Intime.
Amazon đã từng giới thiệu khái niệm mua sắm hoàn toàn mới “Treasure Truck” – một hình thức kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm thực tế, từng được Amazon kỳ vọng rằng sẽ làm thay đổi ngành thương mại điện tử. Giờ đây, Amazon chính thức triển khai và mở rộng mô hình này trên toàn nước Mỹ.
Ông Alban Villani, Giám đốc Thương mại của Criteo ở Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan, cho biết các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ nhanh chóng kết hợp cả online-offline như Amazon, Alibaba đang làm.
Cộng hưởng tốt cả bán hàng online và offline sẽ là nền tảng để các DN phát triển bền vững, nếu các trang web là nơi tạo ra doanh thu từ khách hàng, thì những cửa hàng là không gian trải nghiệm, lôi kéo và giữ chân khách hàng.
Tất nhiên, một hệ thống kết hợp online – offline như vậy không thể dành cho những doanh nghiệp nhỏ.
Hiền Nguyễn