Tồn kho đang dần tăng cao, doanh nghiệp đồ uống Việt ngày càng khó khăn, trong khi thị trường đồ uống vẫn được xem là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, nếu không nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tìm hướng đi riêng, chắc chắn ngành đồ uống trong nước sẽ khó mà tồn tại.
Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017-2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn.
Cạnh tranh khốc liệt
Chính tiềm năng này, các hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành đồ uống ngày càng diễn ra sôi động. Trong ngành nước giải khát, nhiều thương hiệu Việt đã trở thành vang bóng một thời trước khối ngoại.
Năm 2.000, sản phẩm sữa đậu nành Tribeco được xem là số một trong dòng sản phẩm nước uống thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, sau khi lần lượt bán cổ phần cho đối tác ngoại là Uni-President cùng lúc với việc xây dựng thêm hai nhà máy để mở rộng sản xuất thì công ty bắt đầu nợ nần.
Đến cuối năm 2012, công ty chính thức giải thể. Sau giải thể, cổ đông ngoại Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần của Tribeco và trở thành chủ nhân mới của Tribeco Bình Dương.
Nhiều thương hiệu nước giải khát đình đám cũng đã trở thành vang bóng một thời như trường hợp công ty CP Nước giải khát Chương Dương, đang ở trong giai đoạn hoàng kim nhưng khi xuất hiện các đối thủ ngoại, đối diện cạnh tranh gay gắt. Đến giờ, người dùng không biết đến các sản phẩm của Chương Dương ngoài xá xị.
Hiện nay, cuộc chiến giành thị phần trên thị trường nước giải khát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với trên 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát, trong đó có nhiều ông lớn hàng đầu thế giới như Pepsi, Coca - Cola… cùng hàng nghìn DN trong nước.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, lo ngại, sắp tới, chiếc bánh thị phần chắc chắn sẽ do các nhà đầu tư ngoại nắm khi các cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực nước giải khát liên tiếp xảy ra.
Năm 2016, báo cáo của Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát (VBA) cho thấy hiện Coca - Cola chiếm trên 41% thị phần, Pepsico khoảng 22,7% trong khi Tân Hiệp Phát là 25,5%, số còn lại khoảng 10,5% thuộc về các cơ sở nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, với ngành kia, trong bối cảnh sản lượng bia toàn cầu trong năm 2016 suy giảm, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam vẫn tăng. Sản lượng bia của Việt Nam năm 2016 tăng 11,2% so với năm 2015 và tăng gấp 3 lần so với năm 2006.
Thống kê cho thấy, Habeco hiện chiếm 18,9% thị phần, Heneiken 31,7%, Sabeco 43,3%. Việc thoái vốn nhà nước ở một số DN đầu ngành thực phẩm – đồ uống như Sabeco, Habeco… sẽ mở ra cơ hội cho các DN nước ngoài tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên, không cần chờ tới Sabeco, Habeco thoái vốn xong, nhiều hãng bia lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam như hãng bia lớn nhất Thái Lan Singha Beer (thông qua việc mua cổ phần của Massan)… Sappporo (Nhật Bản) mở rộng công suất của nhà máy bia tại Long An từ 40 triệu lít lên 100 triệu lít, bia Tsingtao (Trung Quốc)…
Ở thị trường rượu, nhiều thương hiệu rượu ngoại đã xem Việt Nam là miền đất hứa. Tháng 3 năm nay, đã có 65 hãng rượu vang của Italia lần đầu tiên đến thị trường Việt Nam với mục tiêu tìm cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam trong thời gian tới.Thống kê cũng cho thấy, tốc độ nhập khẩu đồ uống Italia vào Việt Nam những năm qua tăng trung bình 20%.
Tồn kho lớn, phải tìm hướng mới
Mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, chia sẻ hiện nay các DN trong nước đang tồn kho khá nhiều hàng, dự báo từ giờ đến Tết khó có chuyện thiếu hàng, khan hàng.
Ông Việt cho biết: “Việc kinh doanh của các DN nội đang khó khăn do lượng tồn kho ngành đồ uống đang dần tăng cao. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, tồn kho ngành đồ uống đã tăng 62% so với cùng kỳ năm trước”.
Nguyên nhân, theo ông Việt là do việc thuế phí tăng liên tục trong 4 năm qua, khiến DN vô cùng khó khăn. Với đà này, chắc chắn DN sẽ lỗ nặng vì thuế tăng cao, mà sản phẩm thì không thể tăng giá. “Không chỉ cạnh tranh với sản phẩm trong nước, DN còn đối mặt với sự đổ bộ của nhiều đại gia ngành đồ uống nước ngoài. Lúc này mà tăng giá thì chẳng khác gì lấy dây buộc cổ mình”.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhìn nhận, hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN nội phải chấp nhận cùng cạnh tranh giành thị phần với DN ngoại trên chính sân nhà.
“Cuộc cạnh tranh này không cân sức. DN ngoại có bao bì, mẫu mã bắt mắt, thuế giảm về 0% nên họ có giá hợp lý. Họ nhắm đến cả hệ thống phân phối để đưa hàng của họ vào kênh bán lẻ, như các DN đồ uống Thái Lan nhắm Big C, Metro”, ông Phú phân tích.
Trong bối cảnh này, theo ông Phú, DN của mình từ sản xuất và phân phối phải vươn lên, có chất lượng và giá cạnh tranh, tiếp thị tốt và đặc biệt là “làm ăn tử tế”.
Hiện nay, Việt Nam đang có nguồn nguyên liệu của nước giải khát rất lớn là trái cây tươi, nếu mình không tận dụng lợi thế này thì mình sẽ thua. Thực tế, công nghệ chế biến của chúng ta kém phát triển, quả vải tươi rất nhiều nhưng nước vải không có, nho tươi không thiếu nhưng sản phẩm đóng hộp lại không có….
“Cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Nếu không vươn lên, DN nội sẽ bị triệt tiêu, bị thâu tóm”, ông Phú đánh giá. Vì vậy, theo ông Phú, DN muốn cạnh tranh thì phải nghiên cứu kỹ từng công đoạn, từ việc hình thành chuỗi sản xuất, mẫu mã, bao bì cho tới tiếp thị; Kết nối hệ thống sản xuất và phân phối, bớt khâu trung gian. Đồng thời, Nhà nước phải hỗ trợ chính sách cho sản xuất, gắn kết sản xuất và phân phối.
“Hàng Việt nói chung và đồ uống nói riêng vào trong siêu thị đừng ép chiết khấu cao quá, tôi biết có siêu thị vẫn lấy 25% chiết khấu, chưa kể phí tạo mã, thanh toán chậm… Như vậy là kênh bán lẻ đang làm khó hàng Việt”, ông Phú cho biết.
Ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, nhấn mạnh, với mức tăng trưởng của thị trường nước giải khát, thị trường không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng để chiến thắng trong cuộc chạy đua này, DN Việt cần tìm sự khác biệt và thị trường ngách cùng với sản phẩm riêng.
Theo ông Hào, sản xuất ra các loại nước uống có nguồn nguyên liệu hoa quả đặc thù của Việt Nam như vải, xoài… hay đưa ra sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình học sinh, sinh viên là cách mà các DN Việt nên làm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Đặc biệt, muốn cạnh tranh, sản phẩm đó phải thể hiện được yếu tố thật tránh dùng những hương liệu công nghiệp vì người dùng hiện nay đang đặt yếu tố sức khoẻ lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA Các DN FDI có nhiều lợi thế về quy mô sản xuất nên thường đưa ra giá thành rất rẻ, khiến các DN trong nước rất khó cạnh tranh. Khi cầm cự không nổi, nghiên cứu làm ra sản phẩm mới không có, nhiều DN đuối sức, bỏ cuộc. Lúc này, các cuộc mua bán sáp nhập lại tiếp tục diễn ra và lợi thế tất nhiên thuộc về khối ngoại. Muốn doanh nghiệp nội có thể cạnh tranh sòng phẳng với sự đổ bộ của DN ngoại, rõ ràng chúng ta cần phải xây dựng những cơ chế chính sách mới cởi mở hơn rất nhiều để không chỉ thu hút nhà đầu tư ngoại mà còn hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Trong đó, cần nhấn mạnh tới sự hỗ trợ và ổn định từ chính sách. Trên thị trường bia hay ngành đồ uống nói chung đều tồn tại song song các thương hiệu địa phương và thương hiệu lớn. Tuy nhiên, nếu DN trong nước có được sự tự tin về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đồng thời có chiến lược bán hàng tốt thì sẽ cạnh tranh tốt được với bất kỳ các thương hiệu nào. |
Lê Thúy