BCG “lấn sân” mảng tài chính

| Ngày cập nhật: Thứ Hai, 11 Tháng Mười 2021 15:20:00

Dù Công ty CP Bamboo Capital (HoSE: BCG) định hướng trở thành một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam, nhưng vẫn đang trên hành trình trở lại ngành tài chính quen thuộc.

Hiện nay, BCG đang được biết đến với 2 mảng nổi trội là năng lượng tái tạo và bất động sản, bên cạnh sản xuất và xây dựng.

“Bộ sậu” quản trị tài chính

BCG được sáng lập bởi những cổ đông sáng lập là những nhà kinh doanh tài chính. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT BCG Nguyễn Hồ Nam từng trải qua nhiều vị trí, trong đó ông có 4 năm ngồi ghế Tổng Giám đốc, 2 năm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS).

Những ai đã hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng giai đoạn này sẽ không xa lạ với SBS và ông Nguyễn Hồ Nam – một trong mắt xích quan trọng của Tập đoàn Tài chính tư nhân Sacombank.

Cùng với ông Nam, còn có ông Nguyễn Thế Tài, người từng đi ra từ Unilever và từng ngồi ghế Phó TGĐ SBS, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Viễn Đông, hay ông Nguyễn Thanh Hùng, người đi lên từ môi giới đến TGĐ của SBS, hiện ông Hùng là Thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc BCG…

Với những người đã từng bên nhau trong lĩnh vực kinh doanh tài chính nay dẫn dắt BCG, thì việc BCG mở ra mảng chiến lược thứ 5 là Tài chính, được xem là sự trở lại của các nhân vật này.

Làm tài chính cách nào?

Trong vòng 10 năm để có 30 công ty thành viên và liên kết, hàng chục dự án năng lượng, bất động sản như hiện tại, BCG đã dùng M&A như một vũ khí quan trọng. Mở ra tài chính với BCG hay nói cách khác là sự trở lại của những nhân vật đứng đầu BCG, thì M&A tiếp tục là công cụ chính.

Trong mấy tháng vừa qua, liên tiếp các vụ M&A mảng tài chính đã và đang được BCG thực hiện. Gần nhất là kế hoạch chi hơn 700 tỷ đồng để sở hữu hơn 71% cổ phần tại Bảo hiểm AAA. Trước đó, BCG cũng được biết đến với vai trung gian sang nhượng cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Cuối tháng 8/2021, Công ty Bamboo Financial Corp (BFC) cũng đã hoàn tất giao dịch đầu tư vào Công ty Chứng khoán Thủ Đô (CASC) với tỷ lệ sở hữu là 20%.

Trên thực tế, BCG hiện đã nắm quyền kiểm soát BFC sau khi sở hữu hơn 80% cổ phần và cử 3 nhân sự chủ chốt đại diện vốn tham gia công ty này. Được biết, BFC sẽ chuyên về lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), cụ thể là hoạt động mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, môi giới mua bán nợ. Theo đó, BCG sẽ hoàn thiện mảnh ghép hệ sinh thái 5 lĩnh vực mà Công ty này dự tính, và sẽ khá “thuận tay” với các nhà lãnh đạo BCG.

Vấn đề còn lại là BCG có năng lực tài chính và quản trị như thế nào để kiểm soát hệ sinh thái rộng trong tham vọng họ đề ra trong tương lai? Một đánh giá từ FiinRatings cho thấy, BCG được xếp hạng triển vọng tín nhiệm tích cực lần đầu, song với đặc thù thâm dụng vốn của ngành bất động sản và năng lượng, kế hoạch phát triển tăng mạnh về quy mô hoạt động của BCG trong thời gian tới đòi hỏi nguồn vốn lớn trong giai đoạn 2021-2023. “Khả năng huy động vốn một cách kịp thời của Công ty trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ là một yếu tố đánh giá chính mà chúng tôi sẽ theo dõi trong thời gian tới”, FiinRatings lưu ý.

Lê Mỹ