TPB sẽ ngược sóng bao lâu?

| Ngày cập nhật: Thứ Ba, 05 Tháng Mười 2021 14:25:00

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB) được đánh giá duy trì triển vọng tốt với nhiều lợi thế, đặc biệt là khi đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9.

Tăng trưởng vượt trội

Theo công bố kết quả kinh doanh mới đây của TPB, lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ trong quý 2/2021 đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng quý và tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này chủ yếu do thu nhập lãi thuần, thu nhập phí thuần và lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán cải thiện. LNST của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 48%.

Tính đến hết quý 2/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 10% so với hạn mức ban đầu là 11,5%. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp thêm 5,9% hạn mức tín dụng cho TPB trong tháng 7. Đồng thời, TPB công bố tỷ lệ NIM trong 6 tháng đầu năm là 4,74%, tăng 44bps (điểm cơ bản) so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 68.000 tỷ đồng, chiếm 51% tổng dư nợ tính đến cuối quý 2/2021. Trong đó, cho vay mua bất động sản (BĐS) là 33.000 tỷ đồng, chiếm 48% tổng dư nợ khách hàng cá nhân, cho vay mua xe là 17.000 tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ khách hàng cá nhân.

TPB hiện đang có khoảng 3,8 triệu khách hàng cá nhân, tỷ lệ nợ xấu (NPL) đối với khoản cho vay mua BĐS là khá thấp, khoảng 0,35%, trong khi tỷ lệ NPL của khoản cho vay mua xe khoảng 1,2%; tổng tăng trưởng huy động vốn là 12,1% tính đến cuối quý 2/2021.

Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi là 15%, thu nhập phí thuần đạt 413 tỷ đồng trong quý 2 với phần lớn được thúc đẩy bởi doanh thu từ bancassurrance. Còn lãi từ kinh doanh chứng khoán đạt 279 tỷ đồng và chi phí hoạt động là 1.200 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo TPB cho biết, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được ngân hàng sử dụng để cho vay trung và dài hạn đạt khoảng 25%, thấp hơn so mức giới hạn của NHNN là 40%.

Quan điểm như các ngân hàng khác, lãi suất cho vay của TPB vẫn sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp do NHNN tiếp tục duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ”, Ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán VCBS, TPB được duy trì triển vọng tốt với các điều kiện như:

Thứ nhất, là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành, với kỳ vọng hạn mức tín dụng sẽ tiếp tục được cấp cao hơn trong các tháng cuối năm và ngân hàng này có thể đạt mức tăng trưởng trên 20%.

Thứ hai, công nghệ giúp giảm đáng kể chi phí họat động của ngân hàng, khi quy mô nhân sự tăng chậm hơn quy mô tài sản và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp hơn các ngân hàng có quy mô tương đương.

Thứ ba, quy mô tập khách hàng cá nhân tăng nhanh lên 3,8 triệu.

Thứ tư, thị phần phát hành trái phiếu của chứng khoán TPBS liên tục gia tăng và đạt 10% trong nửa đầu năm 2021 nếu ngoại trừ trái phiếu phát hành bởi các ngân hàng.

Thứ năm, phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước giúp tăng BVPS thêm 4,8% (1.026 VND) và tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm từ 30% xuống 27,4%.

Cùng chung quan điểm, CTCK BVSC cho rằng, việc huy động vốn thành công của cổ phiếu TPB cung cấp cho TPB một vùng đệm vốn bền vững, cần thiết cho sự tăng trưởng bảng cân đối kế toán trong tương lai. Cụ thể, cơ sở vốn cấp 1 của TPB được tăng lên, vì vậy tiếp tục củng cố hệ số an toàn vốn (CAR), vốn đã ở trong top cao nhất ngành trước đợt phát hành.

Tăng vốn không chỉ giúp tín dụng của TPB duy trì ở quỹ đạo tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, mà còn giúp TPB thúc đẩy hơn nữa chiến lược của mìnhnhư gia tăng tỷ trọng phân khúc bán lẻ để tận dụng sự mở rộng cơ sở khách hàng vững chắc trên nền tảng ngân hàng số vượt trội và tác động tích cực đến thu nhập từ lãi và phí dịch vụ. Không chỉ vậy, tăng vốn thành công cũng giúp TPB gia tăng khả năng chịu đựng trước những cú sốc bất ngờ, giải quyết tài sản có vấn đề nếu phát sinh”, BVSC đánh giá.

Ngược sóng nhóm cổ phiếu ngân hàng

Trong tuần vừa qua, diễn biến ảm đạm bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng với 26/27 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM giảm giá. Các mã giảm sâu như cổ phiếu VIB giảm 10,8%, cổ phiểu KLB của Kienlongbank giảm 10%. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên UPCoM như SGB, NAB, BVB... cũng ghi nhận mức điều chỉnh đáng kể từ 5 - 8%. Một số mã bluechip khác như HDB, TCB, VCB... cũng không thoát khỏi sắc đỏ, điều chỉnh giảm từ 2,5% - 3,5%.

Tuy nhiên, riêng cổ phiếu TPB có sự ngược sóng khi vẫn giữ sắc xanh, tăng 2,4% và tiếp tục lập nên đỉnh lịch sử mới. Trong phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu TPB giao dịch quanh mức 42.100 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần.

Được biết mới đây, TPB đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9 và sẽ triển khai toàn diện cả hai chuẩn mực quốc tế này ngay từ quý IV năm nay.

Như vậy, TPB sẽ trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên áp dụng đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.

Lãnh đạo TPB cho biết, ngân hàng đã sớm quan tâm tới việc triển khai và áp dụng Basel III từ năm 2015, thông qua việc tự nghiên cứu và áp dụng nội bộ một số yêu cầu của chuẩn mực này về quản lý rủi ro thanh khoản, như tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản, tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng và tỷ lệ đòn bẩy. Từ cuối năm 2020, TPB đã tiếp tục triển khai các cấu phần còn lại của Basel III và tới nay đã hoàn toàn tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn này.

Đối với dự án IFRS 9, TPB đã thực hiện rà soát toàn bộ yêu cầu của Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS (gồm 41 chuẩn mực Kế toán quốc tế - IAS và 16 chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - IFRS) với chuẩn mực Kế toán Việt Nam – VAS, từ đó xác định ra các khác biệt và các bút toán chuyển đổi để lập báo cáo tài chính tuân thủ hoàn toàn IFRS.

“Thách thức lớn nhất của việc triển khai và áp dụng đồng thời Basel III và IFRS là các áp lực về kế hoạch vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, TPB đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu về vốn, về thanh khoản và tỷ lệ đòn bẩy của Basel III”, Tổng giám đốc của TPB chia sẻ.

Trước đó, theo dự báo triển vọng nửa cuối năm của các chuyên gia, hầu hết đều cho rằng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Về dài hạn, giới phân tích vẫn có cái nhìn khả quan về nhóm cổ phiếu ngân hàng, kỳ vọng sự phục hồi của ngành sau khi nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc đầu tư Quỹ SSIAM khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay, và có câu chuyện riêng chẳng hạn như câu chuyện tăng vốn, để làm động lực cho tăng trưởng trong dài hạn, không chỉ trong nửa cuối năm nay và cả các năm sau nữa.

Diễm Ngọc