AGF “mắc cạn”

| Ngày cập nhật: Thứ Tư, 24 Tháng Mười Một 2021 14:06:00

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCoM: AGF) tiếp tục lỗ ròng trong quý 3/2021, khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này âm nặng.

Tính tới ngày 30/9/2021, lỗ lũy kế của AGF đã lên tới 807 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hiện đã vượt quá tài sản ngắn hạn 341 tỷ đồng. Công ty hiện đang âm vốn chủ sở hữu tới 113 tỷ đồng.

Liên tục thua lỗ

AGF là đơn vị đầu tiên trong vùng ĐBSCL sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá Basa, cá Tra fillet, xuất khẩu chính ra các thị trường Mỹ, Châu Á, Úc, Đông Âu và Nga, Trung Đông, Nam Mỹ. Nhưng nhiều năm qua, AGF tiếp tục thua lỗ nặng.

Theo BCTC quý 3/2021 của AGF, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của AGF giảm tới 72%, chỉ đạt 43,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu thuần xuất khẩu cá của AGF chỉ đạt 12,5 tỷ đồng, giảm tới 83%; doanh thu bán cá nội địa đạt 16,7 tỷ đồng, giảm 38%...

Giá vốn cao khiến lỗ gộp quý 3/2021 của AGF lên tới 7,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 22,7 tỷ đồng). Theo đó, Công ty đã lỗ ròng 38 tỷ đồng trong quý 3, đây là quý lỗ ròng thứ 3 liên tiếp trong năm nay.

Với tình hình thua lỗ liên tục, HOSE đã cảnh báo AGF có thể sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Nghi ngờ khả năng hoạt động

Cùng với công bố BCTC quý 3/2021, ngày 9/11 vừa qua, AGF mới công bố BCTC soát xét bán niên 2021. Theo đó, AGF ghi nhận lỗ ròng hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với hạng mục tài sản cố định vô hình là 65 tỷ đồng bao gồm quyền sử dụng đất lâu dài tại kho lạnh Mỹ Thới, Công ty kiểm toán đã đưa ra quyết định ngoại trừ với tài sản này. Bởi tại 30/6/2021, AGF vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chuyển nhượng tài sản.

Ngoài ra, Công ty kiểm toán cũng đưa ra một số lưu ý. Thứ nhất, tại 30/6/2021, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến dự án vùng nuôi Nhơn Hòa chưa được hoàn tất do diện tích hơn 72 nghìn m2 đất nuôi trồng thủy sản vẫn chưa có kết luận của Sở TN&MT tỉnh An Giang. Trong khi Dự án cũng đã được công ty thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Thứ hai, cuối quý 3, khoản lỗ lũy kế của công ty là hơn 800 tỷ đồng; nợ ngắn hạn hiện vượt quá tài sản ngắn và vốn chủ sở hữu âm tới 113 tỷ đồng. Trong khi từ năm 2017 đến năm 2020 Công ty liên tục lỗ ròng. Những con số này cùng với các vấn đề nêu trên khiến kiểm toán lo ngại khả năng hoạt động liên tục của AGF trong thời gian tới.

Thách thức thoái vốn Nhà nước

Các BCTC của AGF qua các năm cho thấy, AGF liên tục bán hàng dưới giá vốn, đây được cho là nguyên nhân chính khiến AGF liên tục thua lỗ. Do đó, AGF dự kiến bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8, AGF9 và 2 vùng nuôi tại huyện Châu Thành để trả các khoản nợ vay và bổ sung vốn.

Nhận định về việc tái cơ cấu này của AGF, VDSC cho rằng, xuất khẩu cá tra là ngành được hưởng lợi nhiều nhất với thị trường tiềm năng là Mỹ và EU trong bối cảnh dịch bệnh. Do vậy, chưa thể khẳng định AGF sẽ tái cơ cấu thành công hay không, khi Công ty này đã quyết định bán đi công cụ sản xuất kinh doanh chính của mình.

Phương Hà