Chứng khoán với kỳ vọng giảm lãi suất

Lao động | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Hai 2010 09:32:00

Những biến động của con sóng lãi suất gần đây không ngăn cản được kỳ vọng của thị trường về một khả năng chạm đáy trung hạn.

Lãi suất đẩy CPI

Hơn một tháng nay, lãi suất huy động tiền đồng liên tục phá trần bằng đủ loại sản phẩm, chiêu lách quy định. Một số NH đẩy lãi suất huy động lên 17%, thậm chí cả với kỳ hạn ngắn và món gửi nhỏ. Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất huy động vì đó là hiệu ứng chủ đạo của công cụ này. Mục đích của chính sách thắt chặt là nhằm hãm đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn có nguy cơ vượt kế hoạch trong năm nay.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cao như hiện tại khó có thể kích thích sản xuất. Hệ quả này không chỉ từ phía DN khi mức lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh bình quân cũng chỉ khoảng 20% mà còn từ chính sự ngại rủi ro khi cho vay của các NH.

Theo TS kinh tế Phạm Thế Anh của CTCK Thăng Long, thực tế ở VN nếu lạm phát cao được kiềm chế bằng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài sẽ dẫn tới hệ quả là sản xuất khó khăn, nhập siêu tăng lên, giá trị tiền đồng giảm và giá cả hàng hóa tăng do chi phí đầu vào tăng. Theo nhận định này, khả năng rất cao là Chính phủ đang chờ cơ hội để chuyển hướng chính sách từ ổn định vĩ mô sang kích thích sản xuất và điều đó có thể xảy ra trong quý I và II/2011.

Bên cạnh đó, hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ “co dãn” ngược chiều với hoạt động trên thị trường mở. Việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm giảm lượng tiền lưu thông và khi CPI giảm trong quý II/2010 thì lượng trái phiếu phát hành cũng giảm theo.

Việc hút tiền qua kênh này tại một số thời điểm làm giảm thanh khoản của hệ thống NH và NHNN đẩy mạnh bơm tiền qua thị trường mở. Dù có hoạt động “bơm - hút” như vậy nhưng việc thắt chặt tiền tệ vẫn khiến lãi suất ngắn hạn tăng mạnh và sức ép lạm phát tăng theo. Theo ông Phạm Thế Anh, điều đó hàm ý việc kiềm chế lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ đã không hoạt động mà làm trầm trọng hơn.

Hạ lãi suất, khi nào?

Xuất phát từ quan điểm trên, mục tiêu chính sách trực tiếp phải là giảm mặt bằng lãi suất chứ không phải lạm phát. Việc nới lỏng tiền tệ có thể phải thực hiện mà không nhất thiết có sự sụt giảm của lạm phát. Nếu “bảo thủ” hơn, ngay khi lạm phát theo tháng có xu thế giảm, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng ngay.

Với độ trễ của chính sách thường là 1 - 2 tháng thì động thái thắt chặt tiền tệ hiện tại sẽ phản ánh vào CPI từ đầu quý I/2011. Như vậy rất có khả năng việc nới lỏng tiền tệ sẽ được thực hiện chậm nhất từ quý I/2011 nhằm giảm mặt bằng lãi suất. Bộ phận nghiên cứu của CTCK Thăng Long dự đoán lãi suất cho vay sẽ giảm từ quý I và giảm mạnh hơn trong quý II/2011 và có thể tạo đáy trong quý III. Với tầm nhìn dài hơn thời gian tính theo tháng, liệu giai đoạn tăng mạnh vừa qua của thị trường chứng khoán có phản ánh kỳ vọng về chính sách?

Việc thị trường đi trước là điều có thể xảy ra cũng giống như thời điểm quý I/2009. TTCK đã có những phản ứng mạnh và sớm với chính sách hỗ trợ lãi suất. Đứng từ góc độ thị trường, không phải là quá lạc quan khi cho rằng có thể chứng khoán đã xác lập đáy trung hạn. Mọi thông tin xấu nhất đã được thị trường đón nhận: Lạm phát 2010 không thể thấp; chính sách tiền tệ đã thắt chặt; mặt bằng lãi đang cao và hiệu ứng sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh quý I/2011 của DN niêm yết.

Đáy của thị trường được bảo đảm bằng độ “chai” của thông tin xấu là một yếu tố nâng đỡ vững chắc. Điều quan trọng mà thị trường hướng tới là liệu chính sách tiền tệ có thể chặt hơn nữa không và nếu không thì sẽ kéo dài bao lâu. Giả thiết siết chặt hơn nữa cung tiền là điều gần như vô lý vì sẽ bóp chết sản xuất. Cơ hội còn lại cho tin xấu là động thái thắt chặt sẽ kéo dài thêm chút nữa.

Do đó, “cửa” tăng trưởng “thần kỳ” của TTCK vẫn chưa có vì nhà đầu tư vẫn phải “ngó trước ngó sau” với động thái chính sách. Tuy nhiên, khả năng giảm sâu hơn chỉ có thể xảy ra nếu có sự đột biến xấu hơn nữa trong chính sách. Phần còn lại là dao động của thị trường dành cho sự kỳ vọng.

Hoàng Nguyên