Chủ tịch Dệt may Thành Công: Dịch Covid-19 phức tạp, duy trì 65-70% công suất đã mừng

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 16 Tháng Tám 2021 15:39:00

Dịch bệnh đang khiến các doanh nghiệp sản xuất khó duy trì được công suất hoạt động bình thường.

Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực dệt may - ngành đòi hỏi lực lượng lao động lớn.

Một số doanh nghiệp dệt may công bố kết quả kinh doanh tháng 7 sụt giảm hoặc kém hơn kỳ vọng. Như Dệt may Đầu tư TNG (HNX: TNG) mới công bố doanh thu tháng 7 đạt 595 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức dự kiến 4,8%. Nguyên nhân được doanh nghiệp lý giải là do thiếu hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế tăng cao. Tương tự, Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) cũng công bố doanh thu tháng 7 giảm 2,7% so với cùng kỳ đạt 330 tỷ đồng; lãi sau thuế giảm 47% xuống 15,3 tỷ đồng. So với tháng trước, doanh thu tăng 7% và lợi nhuận giảm 29%.

Ông Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cho biết từ tháng 6 khi dịch bệnh dần lan mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh có những diễn biến bất lợi tăng nhanh, lao động tại một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn tại phía Nam đã phải tạm thời ngừng việc.

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) chia sẻ doanh nghiệp có 3 mảng kinh doanh chính là sợi, vải và may mặc. Mảng sợi và vải biên lợi nhuận vẫn ổn định nhưng doanh thu giảm nhưng mức ảnh hưởng không lớn do ít lao động. Khó khăn nhất là mảng may mặc, đòi hỏi lực lượng lao động lớn. TCM hoạt động bình thường tới giữa tháng 7 và buộc phải áp dụng 3 tại chỗ do dịch bùng phát mạnh. Sau vài ngày ổn định tổ chức, 1.800 lao động ở TP HCM chuyển sang 3 tại chỗ.

Ông Tùng chia sẻ sau 1 tháng thực hiện 3 tại chỗ, TCM đã sàng lọc được lực lượng lao động đáp ứng 50-60% công suất so với bình thường và sẽ tăng số lượng lao động lên từ từ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đưa đơn hàng gia công cho khu vực phía Bắc và miền Trung – vùng bị dịch ít hơn để gia tăng sản lượng với kỳ vọng đáp ứng thêm khoảng 10-15% công suất.

"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công suất cố gắng duy trì 65-70% đã là điều đáng mừng. Lợi nhuận ghi nhận trong tháng 7 giảm so với cùng kỳ nhưng đã là mức nỗ lực của doanh nghiệp. Chi phí trong tháng 7 tăng cao bởi chuẩn bị cho 3 tại chỗ như xây nhà vệ sinh, phòng tắm, chỗ ăn, ở, ngủ và liên tục test Covid-19 (3 ngày/lần), chi phí hỗ trợ cho F0, F1... Qua tháng 8 thì chi phí về hạ tầng giảm nhiều so với tháng trước nhưng vẫn duy trì test thường xuyên theo quy định sản xuất 3 tại chỗ", lãnh đạo TCM chia sẻ.

mr-tung-3528-1629099287.png

Lãnh đạo TCM lo ngại dịch kéo dài sẽ khiến dệt may Việt Nam mất thị phần vào tay đối thủ.

Mặc khác, Chủ tịch TCM cũng khẳng định không có chuyện doanh nghiệp bị phạt đơn hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Do, các khách hàng truyền thống của đơn vị ở Mỹ hoàn toàn hiểu những khó khăn khi dịch bệnh diễn ra. Năm ngoái, khách hàng hủy đơn khi dịch bệnh tại Mỹ bùng phát mạnh và TCM vẫn chấp nhận. Song, một mối lo ngại nếu Việt Nam không kiểm soát dịch tốt, bị kéo dài khiến đơn hàng bị trễ sẽ ảnh hưởng đến mùa bán hàng cao điểm cuối năm. Điều này buộc khách hàng Mỹ chuyển đơn hàng sang các nước khác, trong đó có Bangladesh. Đất nước này vừa bị mất thị phần về tay Việt Nam, hiện nay bất chấp dịch bệnh đã cho mở cửa lại các nhà máy để lấy lại thị phần.

Ông Tùng nhận định: "Nếu Việt Nam không làm tốt thì sẽ mất thị phần vào các nước khác vì khách hàng không thể chờ mãi được”.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến tiến độ xây dựng nhà máy Vĩnh Long bị chậm lại. Dự kiến thời gian hoàn thành sẽ lùi sang tháng 10, 11 thay vì tháng 9 như kế hoạch.

Nửa đầu năm, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bùng phát mạnh. Nhờ vậy, Việt Nam tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đơn hàng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao trở lại ở thị trường Mỹ và EU. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dệt may 6 tháng đạt 18,5 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, tăng 31%.

Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III và cả năm. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh rất khó khăn.

Ngọc Điểm