Các doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh dương nửa đầu năm như Vinhomes, Phát Đạt, Hà Đô, An Gia, TTC Land, Novaland, Nhà Từ Liêm, Quốc Cường Gia Lai và Văn Phú - Invest.
Theo thống kê của Người Đồng Hành, kết thúc nửa đầu năm, 17/19 doanh nghiệp bất động sản nhà ở có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng so với cùng kỳ năm trước, 2 doanh nghiệp giảm lợi nhuận Hà Đô (HoSE: HDG), LDG Investment (HoSE: LDG).
Hai doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ đồng là Vinhomes (HoSE: VHM) và Novaland (HoSE: NVL), đồng thời tăng lần lượt 198% và 53% cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp khác cũng có lợi nhuận tăng cao, như Đất Xanh (HoSE: DXG), TTC Land (HoSE: SCR) tăng 145%, Nam Long (HoSE: NLG) tăng 130%...
Đơn vị: tỷ đồng |
Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp lại có sự phân hóa. Một nửa trong số này âm dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm, chỉ 9 doanh nghiệp có số liệu dương.
Dòng tiền kinh doanh là tiền thu vào hoặc chi ra từ hoạt động sản xuất chính. Nếu tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm, cho thấy doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền... Về trung và dài hạn, dòng tiền kinh doanh âm có tác động tiêu cực đến tài chính doanh nghiệp như ứ đọng vốn, vốn bị chiếm dụng tăng, chi phí sử dụng vốn tăng... Nếu kéo dài, công ty sẽ mất khả năng thanh toán.
Dòng tiền kinh doanh dương gắn với lợi nhuận tăng
Các doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh dương nửa đầu năm như Vinhomes, Phát Đạt (HoSE: PDR), Hà Đô, An Gia (HoSE: AGG), TTC Land, Novaland, Nhà Từ Liêm (HoSE: NTL), Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) và Văn Phú - Invest (HoSE: VPI). Trừ Hà Đô, các công ty còn lại đều có lợi nhuận 6 tháng tăng. Vinhomes, Phát Đạt, Hà Đô, Nhà Từ Liêm duy trì dòng tiền dương từ năm 2019.
Đơn vị: tỷ đồng |
Dòng tiền kinh doanh âm dù lợi nhuận cao
Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nửa đầu năm, Khang Điền, Nam Long, Cen Land, Năm Bảy Bảy, Đất Xanh đều có dòng tiền âm.
Đơn vị: tỷ đồng |
Khang Điền âm dòng tiền kinh doanh 841 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước dương 455 tỷ đồng. Nguyên nhân do giảm các khoản phải trả 752 tỷ đồng và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp gần 461 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước 71 tỷ đồng).
Nam Long tiếp tục có một kỳ âm dòng tiền kinh doanh 156 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước cũng âm 569 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là tăng hàng tồn hơn hơn 927 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của Nam Long tại 30/6 hơn 14.009 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản. Tồn kho chủ yếu là các dự án bất động sản dở dang đang được công ty triển khai như Izumi (Đồng Nai), Akari City (TP HCM) hay Paragon Đại Phước (Đồng Nai), Waterpoint giai đoạn 1 (Long An).
Tồn kho của Nam Long. |
Đất Xanh ghi nhận lợi nhuận 6 tháng 830 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 488 tỷ đồng, nhờ quý II ghi nhận đột biến từ bán căn hộ và đất nền. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp lại âm 33 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu (1.678 tỷ đồng) và giảm các khoản phải trả (1.242 tỷ đồng). Đất Xanh cũng có nhiều năm âm dòng tiền kinh doanh.
Không thuộc nhóm top 10 lợi nhuận nhưng DIC Corp (HoSE: DIG) vẫn âm dòng tiền kinh doanh trong nửa đầu năm và tình trạng này đã kéo dài từ năm 2019. Nguyên nhân nửa đầu năm, tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ tăng 1.409 tỷ đồng và tiền chi khác 436 tỷ đồng.
Hải Phát có dòng tiền kinh doanh âm lớn nhất kỳ này, âm 1.550 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 181 tỷ đồng. Nguyên nhân, hàng tồn kho tăng gần 1.455 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 591 tỷ đồng. Tính đến 30/6, Hải Phát có 3.833 tỷ đồng hàng tồn kho, bao gồm 902 tỷ đồng bất động sản đã hoàn thành và hơn 2.886 tỷ đồng bất động sản đang xây dựng.
Một doanh nghiệp khác có dòng tiền kinh doanh âm chỉ thấp hơn Hải Phát là Cen Land, âm 885 tỷ đồng. Nguyên nhân là tồn kho tăng gần 1.260 tỷ đồng, bao gồm căn hộ, đất nền do công ty mua từ các chủ đầu tư để bán lại.
Khổng Chiêm