Giá trị đầu tư xây dựng tăng thêm tại dự án Cái Giá trong nửa đầu năm đạt 135,6 tỷ đồng. Không có nguồn thu do đang đầu tư dự án, Vinaconex -ITC lỗ ròng 7 quý gần đây.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex tới đây sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.800 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng sau khi thực hiện chuyển đổi lô trái phiếu 300 tỷ đồng thành cổ phiếu. Giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phiếu. Lô trái phiếu này phát hành ngày 5/8/2019 và có kỳ hạn 2 năm với lãi suất 11%/năm. Trái chủ đã quyết định chuyển đổi thành cổ phiếu thay vì nhận lại phần gốc.
Trước đó, vốn điều lệ của Vinaconex ITC tăng thêm 1.440 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng bằng phương thức phát hành riêng lẻ. Cũng từ sau đợt tăng vốn trên, tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã chứng khoán VCG) tại doanh nghiệp này đã giảm từ xuống còn 10,71%. Tỷ lệ này ước tính giảm còn 9,18% sau khi chuyển đổi lô trái phiếu trên.
Vinaconex-ITC tiền thân là công ty con của Vinaconex với ba cổ đông sáng lập gồm Vinaconex, Eximbank và Chứng khoán Agribank. Cổ phiếu VCR được đưa lên sàn HNX từ năm 2010. Mục tiêu kể từ khi thành lập công ty là thực hiện dự án Cát Bà-Amatina nằm tại vịnh Cái Giá thuộc đảo Cát Bà, Hải Phòng.
Sau nhiều năm gián đoạn, thời gian qua công ty đã trở lại giải ngân vào dự án. Tính đến cuối quý II/2021, tổng chi phí đầu tư vào dự án này đạt 1.303 tỷ đồng, bao gồm 560 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và 743,5 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã tăng thêm 40,4 tỷ đồng trong quý I và 85,1 tỷ đồng trong quý II/2021.
Mặc dù tốc độ đầu tư tăng nhanh hơn thời gian trước nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng nhanh của quy mô tài sản – vốn của doanh nghiệp này. Tổng tài sản của Vinaconex-ITC tại ngày 30/6 đạt 6.728 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi cuối năm trước (3.450 tỷ đồng). Sau khi tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2020, công ty tiếp tục tăng vay nợ, chủ yếu tăng từ kênh tín dụng ngân hàng (thêm 1.050 tỷ đồng vay dài hạn) và thêm 2.200 tỷ đồng khoản phải trả dài hạn. Tỷ lệ nợ vay đến cuối quý II đạt 76,4% tổng nguồn vốn. Ước tính, sau khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, tỷ lệ này có thể giảm còn 72%, trong trường hợp các thành phần khác trong cơ cấu nguồn vốn không thay đổi.
Đa phần nguồn vốn tăng thêm được sử dụng để trả trước cho người bán. Trong đó, riêng giá trị trả trước cho Vinaconex và Vinaconex đến cuối quý II lần lượt là 4.276 tỷ đồng và 970 tỷ đồng, tổng cộng chiếm 78% tổng tài sản của công ty. Sự gia tăng các khoản trả trước trong nửa đầu năm cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.908 tỷ đồng.
Dòng tiền hoạt động đầu tư cũng âm 88 tỷ đồng để phục vụ mua sắp, xây dựng tài sản cố định. Nhờ nguồn vốn từ hoạt động tài chính (đi vay) và nguồn tiền đầu kỳ (gần 1.009 tỷ đồng), lượng tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6 còn xấp xỉ 69 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh nửa đầu năm tiếp tục chưa ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh do Vinaconex-ITC vẫn đang trong giai đoạn đầu tư của dự án. Doanh thu tài chính đến từ lãi tiền gửi/cho vay nửa đầu năm đạt 2,4 tỷ đồng vẫn chưa đủ để trang trải chi phí quản lý doanh nghiệp (7,7 tỷ đồng). Công ty do đó lỗ ròng 5,26 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Đây cũng là quý báo lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Thanh Thủy