CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (mã chứng khoán KPF - sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021.
Trong quý II vừa qua, Công ty thực hiện mua lại 98% cổ phần của Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn nên ghi nhận doanh thu hợp nhất bán hàng hóa và dịch vụ của Công ty là 17,6 tỷ đồng và khoản thu nhập khác là 13,1 tỷ đồng.
Do đó, doanh thu thuần của KPF đạt 42,6 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng lên 14,6 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt 28 tỷ đồng, gấp 3,5 lần.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến lên gần 11,5 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi, lãi cho vay tăng mạnh. Dẫn tới, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 49,96 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 41,7 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của KPF đạt 42,6 tỷ đồng, cũng gấp 5,3 lần. Doanh thu tài chính và lợi nhuận khác tăng mạnh đã kéo lợi nhuận sau thuế lên gần 45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 1,85 tỷ đồng (tương đương 24,3 lần).
Năm nay, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần đạt 130 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2021, Công ty mới hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu, song đã hoàn thành 92% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.399,2 tỷ đồng, tăng tới 80% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý là các khoản phải thu ngắn hạn tăng đột biến lên 960,6 tỷ đồng, tương đương 479%; hàng tồn kho tăng 9% lên 344,9 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 33% lên 861,7 tỷ đồng; trong khi đó tiền và khoản tương đương tiền giảm 39% còn 29,26%.
Mặt khác, nợ phải trả cũng tăng 56% lên 1.665,9 tỷ đồng, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn tăng lần lượt 25% lên 832,7 tỷ đồng và 34% lên 492,2 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tạm kết phiên giao dịch sáng ngày 9/8, cổ phiếu KPF tăng trần với 7% lên 11.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 100.300 đơn vị.
Kiều Trang