Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu "lạ" Con Gà và Hải Mã thu hơn 221 tỷ đồng trong nửa đầu năm

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 06 Tháng Tám 2021 17:48:00

Siam Brothers Việt Nam - doanh nghiệp chuyên sản xuất dây PP, dây thừng bện dùng trong nông/ ngư nghiệp thu trên 221 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay cùng khoản lãi sau thuế 11,8 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam (HoSE: SBV) tham gia thị trường Việt Nam từ năm 1995 với sản phẩm ban đầu là dây thừng phục vụ hoạt động đánh cá của các tàu lớn.

Đây là công ty 100% vốn đầu tư của Công ty Siam Brothers Group (Thái Lan) - nhà sản xuất có quy mô lớn về ngư cụ. 

Con Gà và Hải Mã là hai thương hiệu trong nhóm sản phẩm dây thừng quan trọng với doanh nghiệp này bên cạnh các sản phẩm khác như bơm chìm, đèn, dầu nhớt, khay cá, lưới đánh cá…

Bảng: Kết quả kinh doanh quý II/2021 so với cùng kỳ của Siam Brothers Việt Nam qua một số chỉ tiêu (Đvt: tỷ đồng).

Chỉ tiêu/Thời điểm

 Quý II/2021

 Quý II/2020

 Doanh thu thuần

 121.6

 106.7

 Lợi nhuận gộp

 42.6

 48.8

 Lợi nhuận trước thuế

 9.5

 9.8

 Lợi nhuận sau thuế

 7.7

 7.3

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của Siam Brothers Việt Nam tăng nhẹ lên mức 964 tỷ đồng (tăng gần 9% so với đầu năm); trong đó, tài sản ngắn hạn tăng xấp xỉ 15% so với đầu năm, ở mức 576,1 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty cũng tăng lên gần 468 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6/2021 (tăng 100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay) với phần lớn là nợ ngắn hạn (391,7 tỷ đồng).

Trong quý II/2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng gần 14% nhưng giá vốn bán hàng lại tăng hơn 36%  so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 42,6 tỷ đồng, thấp hơn quý II năm ngoái gần 13%.

Luỹ kế nửa đầu năm, Siam Brothers Việt Nam thu hơn 221 tỷ đồng và báo lãi sau thuế 11,8 tỷ đồng; tăng xấp xỉ 17% và 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 681 tỷ đồng và 87 tỷ đồng.

Mảng dây thừng đóng góp khoảng 5% trong tổng doanh thu của Siam Brothers Việt Nam và được kỳ vọng sẽ tăng lên từ 5-10% trong tương lai cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, là đơn vị gắn kết mật thiết với ngư dân Việt Nam nên có định hướng hỗ trợ ngư dân mua sắm sản phẩm, dịch vụ trực tiếp với chi phí hợp lý hơn cũng như có được đầu ra ổn định. 

Doanh nghiệp này từng đề cập đến kế hoạch triển khai “thành phố cảng cá” tuy nhiên hiện nay, họ sẽ chọn sử dụng các ứng dụng công nghệ để tối ưu các công việc nêu trên nên kế hoạch hình thành cảng cá sẽ không còn được cân nhắc thực hiện.

Công ty cổ phần Siam Holdings Việt Nam là cổ đông lớn, sở hữu 65% vốn Siam Brothers Việt Nam. 

Doanh nhân Veerapong Sawatyanon (quốc tịch Thái Lan) là Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả 2 công ty này từ năm 1995 đến nay.

Được cử sang Việt Nam để phát triển kinh doanh từ năm 1994, nhưng chỉ vừa bắt đầu sản xuất, doanh thu chưa ổn định…thì khủng hoảng kinh tế thế giới xuất hiện và đẩy Siam Brothers Việt Nam vào tốp những doanh nghiệp lỗ nặng nhất Việt Nam vào năm 2000.

Doanh nhân này lao vào xoay sở và dần trở nên thành thạo tiếng Việt, đưa Siam Brothers Việt Nam có lãi vào năm 2002 trước khi cổ phiếu SBV được niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2017. 

 

Hồng Phúc