Một loạt kế hoạch tăng vốn mới đang khiến hiệu suất sinh lời của Camimex Group chịu áp lực pha loãng khi lợi nhuận không theo kịp đà tăng vốn.
Doanh thu tăng, biên lợi nhuận sụt giảm
Kết thúc quý II/2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Camimex Group cho biết, dù doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ đạt 718 tỷ đồng, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá vốn tăng nhanh hơn ở mức 74% khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 26,8% so với cùng kỳ, đạt 65 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý này giảm về 9,05%, thấp hơn đáng kể so với mức 12% cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh khởi sắc của Camimex Group đặt trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu chủ lực của các mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung và tôm nói riêng hồi phục. Trong khi đó, “cường quốc” nuôi tôm Ấn Độ bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nên sản lượng cung ứng giảm đáng kể.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý đồng loạt tăng mạnh gần 50%, nhưng lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của Camimex Group vẫn đạt 21,6 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại giảm 7%, xuống 16,6 tỷ đồng, do một phần đáng kể bị phân bổ cho lợi ích của các cổ đông không kiểm soát.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Camimex Group tăng 31% so với nửa đầu năm 2020, đạt 932,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 32,4 tỷ đồng. So với mục tiêu 1.628,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 73 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế được đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Công ty đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Tính đến cuối quý II/2021, Camimex Group có quy mô tổng tài sản 1.593,3 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu có giá trị 487 tỷ đồng, tăng mạnh 62% so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản.
Dù giá trị tồn kho trong kỳ giảm 14% so với đầu năm, xuống 517,8 tỷ đồng, nhưng với tổng giá trị khoản phải thu và tồn kho lên đến gần 1.005 tỷ đồng, Camimex Group phải duy trì nợ vay ở mức cao để bổ sung vốn lưu động. Dư nợ vay đến cuối kỳ đạt 690,3 tỷ đồng, trong đó 94% là vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 117%.
Trong khi đó, giá trị tiền của Camimex Group cuối kỳ khá thấp, với 2,3 tỷ đồng tiền mặt và 8,2 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng.
Áp lực pha loãng từ phương án tăng vốn mới
Cuối tháng 7/2021, HĐQT Camimex Group công bố nghị quyết triển khai kế hoạch phát hành 30,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên gấp đôi với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, Công ty dự kiến thu về 304 tỷ đồng để trả nợ vay, công nợ công ty con - Công ty cổ phần Camimex và bổ sung vốn lưu động mua tôm nguyên liệu.
Đây là đợt chào bán cho cổ đông thứ hai theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 thông qua sau khi thực hiện đợt chào bán tăng vốn gấp đôi trong quý I/2020. Quá trình tăng vốn của Camimex Group sẽ chưa dừng lại khi tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, HĐQT Công ty đã trình và được thông qua phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để đầu tư các dự án đang triển khai và bổ sung vốn lưu động.
Theo đó, giá chào bán do HĐQT Camimex Group xác định nhưng không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân 10 ngày liên tiếp trước ngày ban hành nghị quyết triển khai phương án phát hành riêng lẻ. Nếu hoàn tất các đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của Công ty tăng lên hơn 900 tỷ đồng, gấp 6,8 lần đầu năm 2020.
Việc liên tục tăng vốn cho thấy tham vọng khá lớn của Ban lãnh đạo Camimex Group trong định hướng xây dựng doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị tôm khép kín trong mô hình tập đoàn nhiều đơn vị thành viên, trong đó, mỗi công ty phụ trách một mảng riêng, độc lập, nhưng liên kết thành chuỗi giá trị. Tuy vậy, trong ngắn hạn, các chỉ số hiệu suất sinh lời của Công ty chịu ảnh hưởng đáng kể khi lợi nhuận không theo kịp đà tăng vốn.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong nửa cuối năm nay, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới đây nhận định, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ước tính sẽ cao hơn so với nửa đầu năm, vì giá bán bình quân dự kiến phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, tác động sẽ giảm bớt do cả giá hàng hóa và chi phí vận chuyển đều tăng vì “các công ty xuất khẩu thủy sản trong nước đều có giới hạn về quyền đàm phán. Do đó, giá hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận ròng”.
Đối với triển vọng năm 2022, Bộ phận Phân tích của SSI đánh giá, sản lượng tôm của Ấn Độ có khả năng phục hồi hoàn toàn (sau khi kiểm soát được dịch bệnh) và có thể là mối đe dọa cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành.
Lâm Vũ