Chuyển động mới tại Petroland, thị giá gấp đôi trong vòng nửa tháng

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 03 Tháng Tám 2021 11:19:00

Doanh nghiệp của tân Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu từ 5/8 đến 4/9.

Cổ phiếu gấp đôi sau nửa tháng, thay dàn lãnh đạo

Công ty Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Phương Nam thông báo đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, HoSE: PTL) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 5/8 đến 4/9. Tổ chức này chưa sở hữu cổ phiếu PTL, nếu giao dịch hoàn tất, sẽ nắm 15% vốn điều lệ Petroland.

Đáng chú ý, trong vòng nửa tháng, cổ phiếu này đã tăng giá từ vùng 4.330 đồng/cp lên 9.490 đồng/cp, gấp 2,1 lần. Tạm tính theo vùng giá hiện tại, Ngôi sao Phương Nam sẽ phải chi khoảng 142 tỷ đồng để mua 15 triệu cổ phiếu PTL.

Ngôi sao Phương Nam mới được thành lập vào đầu năm 2020, vốn điều lệ 50 tỷ đồng, kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Tấn Thụ, Chủ tịch Petroland thành lập và sở hữu 99,8% vốn.

Ông Nguyễn Tấn Thụ mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Petroland từ kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay. Cụ thể, cổ đông miễn nhiệm thành viên HĐQT với các cá nhân Trần Ngọc Lâm, Hà Quang Ấn, Đoàn Hữu Trắc và bổ nhiệm Nguyễn Tấn Thụ, Nguyễn Trung Trí, Nguyễn Quang Hưng, Dương Văn Việt, Nguyễn Tuấn Anh cho nhiệm kỳ mới 2021-2026 (ông Trí và ông Hưng được bầu lại).  

Ban kiểm soát cũng có sự thay đổi, các cá nhân bị miễn nhiệm gồm Vũ Thị Châm và Nguyễn Thị Lan Phương, bổ nhiệm gồm Hà Quang Ấn, Nguyễn Trọng Tín và Từ Thị Vy Uyên.

Cơ cấu cổ đông của Petroland có nhiều biến động thời điểm cuối năm 2020 sau khi PV Oil thoái vốn. Hiện cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp vẫn là Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) nắm 36% vốn. Ngoài ra, cổ đông lớn mới xuất hiện cuối năm 2020 là những cá nhân như Đỗ Thị Hiền, Đoàn Văn Đức, Nguyễn Văn Vinh, Trần Thị Hường.

ptl-co-dong-9020-1627959104.png

Nguồn: BCTC quý II. Đơn vị: %

Lợi nhuận đột biến quý II

Petroland hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, một số dự án nổi bật như Trung tâm thương mại tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Petroland Tower), chung cư Petroland quận 2, chung cư Mỹ Phú và Khu phức hợp 30/4. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đã hoàn thành, bàn giao nên nguồn thu các năm gần đây chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê văn phòng, hợp tác kinh doanh, quản lý tòa nhà, chung cư và kinh doanh bất động sản thứ cấp. Ban lãnh đạo cho biết hiệu quả của các hoạt động này không cao nên đơn vị đang tìm kiếm dự án phù hợp với năng lực tài chính để triển khai thực hiện, tạo công ăn việc làm.

Hoạt động kinh doanh của Petroland cải thiện dần trong các năm gần đây, từ lỗ đậm 63 tỷ đồng năm 20217 sang lãi 2,5 tỷ năm 2020.

Quý II năm nay, doanh nghiệp bất ngờ công bố doanh thu gấp 4 lần cùng kỳ năm trước đạt 42,3 tỷ đồng, lợi nhuận gộp gấp gần 10 lần đạt 17,5 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm nhẹ và chi phí quản lý tăng từ 4,8 tỷ lên 6,4 tỷ đồng. Petroland ghi nhận lợi nhuận 20,5 tỷ đồng, đột biến so với con số 858 triệu đồng cùng kỳ năm trước và góp phần giúp nửa đầu năm lãi sau thuế 17,3 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 7,6 tỷ cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân là trong quý II đơn vị đã đấu giá chuyển nhượng thành công các lô đất còn lại thuộc dự án khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu.

Năm 2021, Petroland lên kế hoạch doanh thu 125 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng; lần lượt tăng 92% và gấp 5 lần thực hiện 2020. Sau nửa chặng đường, đơn vị mới thực hiện 42% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 73% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối quý II, Petroland có tổng tài sản 1.190 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 50% tài sản nằm ở khoản phải thu với 554 tỷ đồng và 18,6% nằm ở đầu tư tài chính ngắn hạn với 222 tỷ đồng.

Tường Như