Nhà máy Thuỷ điện Ayun Hạ với công suất lắp máy 3MW sẽ được chào bán công khai. Doanh nghiệp điện này cũng từng chuyển nhượng một nhà máy điện 1MW năm 2020.
Theo báo cáo tài quý II vừa công bố, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã GEG - HoSE) thu về 625 tỷ đồng doanh thu, gần 161 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 3% và 12,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, nguồn thu lớn nhất của Điện Gia Lai là từ hoạt động bán điện. Mảng cung cấp dịch vụ đóng góp tỷ trọng nhỏ nhưng tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, đạt gần 8 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp nhích nhẹ lên 58,7%. Chi phí lãi vay là một trong các khoản chi phí lớn nhất của doanh nghiệp này. Công ty đã phải trích ra 171 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gỉảm nhẹ so với cùng kỳ. Đây cũng là những yếu tố chính giúp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vẫn đạt trên hai con số.
So với phương án kinh doanh năm 2021 với 1.153 tỷ đồng doanh thu và 258 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra, Điện Gia Lai hiện hoàn thành lần lượt 54,2% và 62,4% mục tiêu cả năm.
Dù tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức cao, hiệu quả kinh doanh của công ty vẫn khá khiêm tốn với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tài sản (ROA) lần lượt chỉ đạt 4,4% và 1,71% trong nửa đầu năm. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 445 đồng, thấp hơn mức 591 đồng cùng kỳ.
Quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp điện này hiện ở mức 9.735 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm qua. Sau đợt phát hành năm 2020 gồm gần 51 triệu chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 16,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, vốn chủ sở hữu của Điện Gia Lai chỉ nhích nhẹ thời gian qua. Tuy nhiên, công ty lại gia tăng nhanh nợ vay chủ yếu từ nguồn nợ nhà cung cấp (tăng 850 tỷ đồng) và kênh tín dụng ngân hàng kỳ hạn dài (tăng 1.386 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ đến quý II xấp xỉ 65%.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong khi dòng tiền từ hoạt động tài chính và hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư lại khiến thâm hụt lớn do công ty dành 1.744 tỷ đồng chi mua sắm xây dựng tài sản cố định. Giá trị khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại ngày 30/6 là 2.283 tỷ đồng, gấp 4 lần thời điểm đầu năm do tăng đầu tư vào các dự án điện gió.
Nhiều dự án điện gío đang trong quá trình triển khai
Một trong các nhiệm vụ mà Điện Gia Lai đề ra trong năm 2021 là triển khai xây dựng dự án Điện Gió V.P.L 1 Bến Tre, Ia Bang 1 Gia Lai và Tân Phú Đông 2 Tiền Giang với tổng công suất 130 MW để kịp đưa vào vận hành trước tháng 11/2021 hưởng giá FIT ngoài khơi và trên bờ 9,8 UScent/kWh và 8,5 UScent/kWh
Điện Gia Lai đang sở hữu hàng loạt các nhà máy điện gồm điện mặt trời, thuỷ điện và điện gió. Trong đó, 6 nhà máy điện mặt trời có công suất 343 MWp đã cung cấp 395 triệu kWh điện, đóng góp 895 tỷ đồng doanh thu năm 2020. Cùng đó, 13 nhà máy thuỷ điện công suất 84 MW mang về sản lượng 321 triệu kWh, tương đương doanh thu 396 tỷ đồng trong năm trước.
Mới đây, HĐQT Điện Gia Lai đã họp và thống nhất chủ trương chuyển nhượng Nhà máy Thuỷ điện Ayun Hạ. Nhà máy có công suất lắp máy 3MW, nằm trên diện tích 6.069 m2 (đất thuê 50 năm, trả tiền hàng năm) tại Gia Lai. Đây là nhà máy vận hành từ năm 2001 và hiện đang hoạt động ổn định. Công ty cho biết sẽ chào bán công khai dự án.
Doanh nghiệp điện này cũng từng chuyển nhượng một nhà máy điện 1MW thông qua bán toàn bộ 588.000 cổ phần, tương đương 65,33% vốn cổ phần Công ty cổ phần Thủy điện Kênh Bắc - Ayun Hạ. Điện Gia Lai cho biết thương vụ thoái vốn hồi năm 2020 cũng góp phần nâng doanh thu tài chính từ 24 tỷ đồng trong năm 2019 lên gần 31 tỷ đồng trong năm 2020.
Thanh Thuỷ