Chủ tịch Gỗ An Cường: ‘Bất đắc dĩ mới phải làm bất động sản’

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 03 Tháng Tám 2021 08:11:00

Gỗ An Cường đang làm các thủ tục pháp lý để đầu tư khu công nghiệp chuyên về gỗ khoảng 2.900 tỷ đồng.

Đầu tư khu công nghiệp và khu dân cư cao tầng

Ngày 4/8 tới đây, hơn 87,6 triệu cổ phiếu ACG của Gỗ An Cường sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM, giá tham chiếu 90.000 đồng/cp, tương đương mức định giá 7.884 tỷ đồng. An Cường là doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ. Công ty cho biết đang nắm hơn 50% thị phần các thương hiệu ván MFC và 70% thị phần các thương hiệu ván laminate, ván acrylic và các phụ phẩm.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến chiều ngày 2/8, lãnh đạo Gỗ An Cường đã tiết lộ bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là gỗ thì đơn vị sẽ đầu tư thêm bất động sản. Cụ thể, doanh nghiệp có 3 dự án quan trọng thời gian tới gồm đầu tư khu công nghiệp An Cường (vốn khoảng 2.900 tỷ đồng), dự án chuyển đổi cụm nhà máy Thái Hòa thành khu dân cư cao tầng và xây dựng nhà máy MDF khoảng 2.500 tỷ đồng.

ong-nghia-an-cuong-4290-1627904587.png

Chủ tịch An Cường cho biết đầu tư bất động sản là bất đắc dĩ.

Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT cho biết đầu tư bất động sản là bất đắc dĩ. Nguyên nhân là do doanh nghiệp muốn xin đất để làm nhà máy MDF nhưng tỉnh Bình Dương đề nghị An Cường xin nhiều đất hơn xây dựng khu công nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp để làm thành khu trung tâm chuyên về gỗ.

“Thực tế tỉnh Bình Dương muốn xây dựng một trung tâm về gỗ nhưng chưa có một đơn vị lớn nào đứng ra đầu tàu làm nên đề nghị An Cường làm”, ông Nghĩa nói.

Với dự án khu dân cư cao tầng ở nhà máy Thái Hòa, Chủ tịch An Cường cho biết Nam Tân Uyên (Bình Dương) sắp được chuyển đổi từ thị xã lên thành phố, khi đó đơn vị sẽ chuyển đổi cụm nhà máy Thái Hòa vào khu công nghiệp An Cường và chuyển đổi phần đất này thành dự án bất động sản, xây dựng khu dân cư cao tầng.

Dù vậy, ông Nghĩa khẳng định lĩnh vực kinh doanh chính 20 năm là tập trung vào gỗ. Doanh nghiệp sẽ không tự đầu tư dự án khu dân cư cao tầng mà kêu gọi các nhà đầu tư như Hưng Thịnh hay An Gia, An Cường chỉ góp đất. Tại khu vực Thái Hòa, An Cường có 10 ha đất trị giá hiện nay khoảng 1.000 tỷ đồng, khoảng 2 đến 3 năm nữa có thể tăng giá nữa.

Về nguồn vốn huy động để đầu tư, lãnh đạo An Cường cho biết sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu nên không gặp áp lực vốn. Trong 3 dự án, dự án nhà máy MDF dự kiến triển khai từ 2022, thời gian xây dựng khoảng 18 tháng thì đến cuối 2023, đầu 2024 có thể đem về doanh thu. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, An Cường có nguồn tiền mặt 1.500 tỷ đồng để xây dựng và phần còn lại đi vay, trong trường hợp hợp tác với cổ đông lớn Sumitomo Forestry (Nhật Bản) thì đơn vị không cần vay thêm (đối tác muốn hợp tác với tỷ lệ 35%).

Dự án khu công nghiệp An Cường đã triển khai thủ tục từ đầu năm, hồ sơ được gửi ra Trung ương để xin phép, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn tiền ban đầu để đấu thầu. Dự án chuyển đổi cụm nhà máy Thái Hòa thành khu dân cư cao tầng được triển khai sau khi khu công nghiệp hoàn tất, dự kiến trong vòng 5 năm sẽ thực hiện.

Kết quả kinh doanh có thể tăng mạnh khi nhà máy thứ 2 chạy đủ công suất

Hoạt động kinh doanh của An Cường tương đối ổn định các năm gần đây, doanh thu giai đoạn 2018-2020 quanh 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quanh 500 tỷ đồng. Năm 2021, ban lãnh đạo công ty dự kiến doanh thu tăng 30% so với kết quả năm 2020, đạt 4.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12%, lên 551 tỷ đồng. Nửa đầu năm, doanh nghiệp gỗ đạt 1.709 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 35% kế hoạch năm; lãi sau thuế 237 tỷ đồng, tăng 43%.

go-ac-loi-nhuan-5809-1627904588.png

Đơn vị: tỷ đồng

Với Gỗ An Cường, chu kỳ kinh doanh cao điểm bắt đầu từ tháng 7 trở đi. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ông Nghĩa thông tin năng lực sản xuất của doanh nghiệp bị giảm 30-35% nhưng vẫn đang đáp ứng được nhu cầu khách hàng, thậm chí thừa do hàng tại cảng Cát Lái bị ứ không lấy container để xuất được. Dù vậy, An Cường vẫn tiếp tục sản xuất để lấp đầy hàng tồn kho. Theo đó, doanh thu tháng 7 dự kiến giảm 20% so với tháng 6, tháng 8 cũng giảm khoảng 20-25%. Doanh nghiệp kỳ vọng từ tháng 9 dịch bệnh được kiểm soát thì doanh thu tăng trở lại để đảm bảo kế hoạch kinh doanh.

Gỗ An Cường hiện có 2 cụm nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích 240.000 m2, công suất khoảng 300.000 m3 gỗ mỗi năm. Nhà máy thứ nhất đã chạy với công suất khoảng 120-130%, nhà máy thứ 2 được đầu tư từ 2018 và đến nay mới đạt 65% công suất. Chủ tịch Gỗ An Cường cho biết vì gánh chi phí đầu tư nhà máy thứ 2 mà biên lợi nhuận giai đoạn 2017-2019 của đơn vị giảm trong khi doanh thu tăng. Doanh nghiệp kỳ vọng đến 2023 nhà máy thứ 2 có thể được đẩy công suất lên 120%, kéo lợi nhuận tăng mạnh.

Về hoạt động xuất khẩu, tỷ trọng đóng góp trong doanh thu hiện khoảng 12% trực tiếp và thêm 8% gián tiếp (hoạt động gia công). Mục tiêu của doanh nghiệp là tăng tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp lên 35% vào thời gian tới, thị trường chủ lực là Mỹ và Canada. Đồng thời, An Cường muốn đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp, tức tạo ra sản phẩm bán với thương hiệu riêng để tạo ra biên lợi nhuận tốt hơn 8-15%.

Lãnh đạo An Cường cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam nhờ sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang. Theo đó, hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng sẽ bù đắp cho những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Ngọc Điểm