Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, UPCoM: HTM) báo lỗ sau thuế quý II hơn 5 tỷ đồng, kéo theo lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ gần 4,5 tỷ đồng.
Doanh thu thuần quý II đạt hơn 183 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lãi gộp co nhẹ từ 13,1% (quý II/2020) về 12,4%.
Lợi nhuận gộp của Hapro đạt gần 22,8 tỷ đồng, giảm 27,5% so với quý II/2020. Ngược lại, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng hơn 126% lên 9,1 tỷ đồng.
Hoạt động từ các công ty liên doanh, liên kết kém hiệu quả làm Hapro phải ghi lỗ hơn 3,3 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần nửa tỷ đồng.
Trừ đi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của Hapro là hơn 7 tỷ đồng, kém sắc hơn khoản lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý II/2020.
Lỗ sau thuế trong kỳ của công ty là hơn 5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hapro giảm 38,5% so với cùng kỳ, đạt gần 350 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế là gần 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2,8 tỷ đồng.
Năm 2021, Hapro lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 1.109,68 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 38,45 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh đi lùi trong 6 tháng đầu năm, Hapro đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2021.
Tổng tài sản của Hapro tính đến ngày 30/6/2021 đạt hơn 3.031 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt hơn 926 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng tài sản của Hapro.
Chi phí sản xuất dở dang dài hạn đạt hơn 463 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí tại dự án khu nhà ở và khu phụ trợ Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội). Hapro đang đầu tư vào 19 công ty liên doanh, liên kết với giá trị đầu tư là hơn 169 tỷ đồng, đầu tư góp vốn vào hơn 11 đơn vị khác với giá trị 66,3 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Hapro tại thời điểm cuối quý II là hơn 756 tỷ đồng, giảm 3,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn chiếm 64% ở mức gần 486 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hapro ghi nhận âm hơn 10 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty này đạt giá trị âm, tính từ quý II/2020 đến nay.
Cổ phiếu HTM đóng cửa phiên 2/8 ở mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 3.900 tỷ đồng.
Bạch Lan