Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (mã chứng khoán: VGT) vừa có Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với lợi nhuận ròng tăng gấp 9 lần cùng kỳ.
Theo báo cáo, Vinatex có doanh thu thuần tăng 21% so với cùng kỳ, đạt gần 3.708 tỷ đồng. Nhờ giá vốn tăng nhẹ hơn giúp biên lãi gộp cải thiện từ 13% lên 15%.
Chi phí bán hàng và chi phí tài chính đồng loạt giảm, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 32%, ghi nhận hơn 200 tỷ đồng. Dù vậy, Vinatex vẫn có lợi nhuận ròng hơn 193 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ.
Theo giải trình của Vinatex, giai đoạn 2019-2020, ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh COVID-19 lan rộng ra toàn cầu. Thị trường dệt may trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có sự phục hồi mạnh với đơn hàng đều đặn và giá bán tốt.
Đối với Vinatex, các đơn vị ngành sợi hầu hết là các đơn vị do doanh nghiệp chi phối nên kết quả của ngành sợi có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của Vinatex.
Năm 2020, ngành sợi đều có kết quả kinh doanh thua lỗ thì 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị thuộc Vinatex đều đạt kết quả rất tích cực.
Trong quý II/2021, do khủng hoảng chính trị tại Myanmar, COVID-19 tại Ấn Độ, Banladesh, nhiều hãng thời trang lớn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam khiến lượng đơn hàng may dồi dào dẫn đến hiệu quả của các doanh nghiệp may cũng được nâng cao.
Lũy kế nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của Vinatex gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 7.085 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng đạt hơn 292 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, Vinatex đặt kế hoạch đem về 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 17% và 18% so với thực hiện năm trước. Như vậy nửa đầu năm, Vinatex đã thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.
Cuối tháng 6, tổng tài sản của Vinatex ghi nhận hơn 18.751 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 4% so với đầu năm, đạt gần 2.546 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 2/8, VGT có giá 17.100 đồng/cổ phiếu, tăng 66% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1.
Vào ngày 29/4/1995, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Dệt may Việt Nam được thành lập dựa trên việc sáp nhập các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam và Liên hiệp sản xuất - xuất nhập khẩu May. Trải qua 26 năm hoạt động và phát triển, Tập đoàn Dệt may Việt Nam trở thành đại diện cho ngành dệt may, đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, phát triển ngành dệt may.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may với hoạt động sản xuất kinh doanh trải rộng từ sản xuất sợi (sợi cotton và sợi nhân tạo), vải (vải dệt kim và vải dệt thoi) và may quần áo.
Với cấu trúc tập đoàn gồm công ty mẹ-con, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có 33 công ty con cấp 1, cấp 2, cấp 3 và 34 công ty liên kết; trong đó, bao gồm nhiều công ty lớn trong ngành như: Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty May 10...
Theo Vinatex, công suất sợi của tập đoàn là 155.000 tấn/năm; công suất vải dệt thoi đạt 170 triệu m/năm; công suất may đạt 352 triệu sản phẩm/năm.
Không chỉ vậy, Vinatex hiện đang sử dụng nhiều mảnh đất “vàng” tại trung tâm các thành phố lớn. Doanh nghiệp này hiện có tới 25 lô đất có diện tích từ vài chục đến vài chục nghìn m2./.
Văn Giáp