Mạnh tay can thiệp “giao dịch ngầm” lãi suất

SGTT | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 22 Tháng Mười Một 2010 14:52:00

NHNN yêu cầu các NHTM không được đưa mức chênh lệch quá lớn trong huy động và cho vay gây bất ổn thị trường.

Trước tình trạng phổ biến khách hàng tiền gửi mặc cả lãi suất dẫn đến cuộc đua lãi suất vượt rào thỏa thuận giữa các NHTM, đầu tuần này NHNN chi nhánh TPHCM thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc việc huy động vốn, xử lý triệt để việc cạnh tranh không lành mạnh.

Nghiêm với “sân sau” lãi suất

Giải thích về việc tăng lãi suất lên cao, vượt rào, nhiều NH cho biết gần đây có hiện tượng nhiều khách hàng đến rút tiền gửi tiết kiệm để mua vàng. Chỉ trong ngày 9-11 vừa qua, số lượng vàng bán ra tại 5 đơn vị Sacombank, Eximbank, ACB, VietABank, SJC lên đến 3 tấn, trong khi số lượng mua vào rất ít. Vì vậy, để giữ chân khách hàng tiền gửi VNĐ, các NHTM buộc phải xé rào lãi suất.

Nhiều NHTM cho biết đến cuối tuần qua khách hàng yêu cầu NH phải thỏa thuận lãi suất tiền gửi ở mức 15%/năm. Lãi suất huy động tăng cao đột biến buộc các NHTM cũng phải tăng lãi suất cho vay lên cao từ 20-22%/năm.

Tại cuộc họp với UBND TPHCM cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho rằng việc kéo giảm lãi suất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên khi lạm phát dự kiến không quá 10%/năm, không có lý do gì lãi suất cho vay lại đến 20-22%/năm.

Theo điều 6 của Luật Dân sự, các NHTM cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản. Tính theo lãi suất cơ bản 9%/năm các NH cho vay không quá 13,5%/năm. Như vậy hầu hết các NHTM đều vi phạm quy định này.

Nhưng thực tế thời điểm này không thể dùng biện pháp hành chính để xử lý, mà NHNN sẽ phải dùng các biện pháp tổng thể để giảm dần lãi suất như đã thực hiện thành công trong quý II và III. Và mức lãi suất có thể chấp nhận được hiện nay là 12-13%/năm đầu vào và 14-15%/năm ở đầu ra.

Hiện nay có tình trạng một số NHTM lớn dư thanh khoản đã chuyển vốn qua các công ty con của mình để ngã giá đòi lãi suất cao tại các NHTM bạn.

Ông Tuấn cho rằng đây là hành vi phạm pháp vì lợi ích cục bộ, đã tạo nên mặt bằng lãi suất không đúng thực chất nền kinh tế, đẩy giá thành doanh nghiệp tăng, gián tiếp đẩy CPI tăng.

Vì vậy, NHNN Việt Nam đang yêu cầu NHNN chi nhánh kiểm tra các NHTM. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh, thậm chí đưa sang cơ quan pháp luật.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, để giải quyết tình trạng tăng nóng lãi suất ở các NHTM, NHNN sẽ có những giải pháp can thiệp thị trường.

Trước hết để ổn định lãi suất huy động thì phải ổn định lãi suất nội tệ liên NH. Theo ông Bảo đến cuối tuần qua lãi suất liên NH kỳ hạn tuần xuống chỉ còn từ 8,5-10%/năm, kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 10,5%/năm.

Thanh khoản trên thị trường khá dồi dào, các NH không còn ách tắc về vốn. NHNN cũng sẽ giữ không để lãi suất ngoại tệ ép lãi suất tiền gửi nội tệ và tạo thanh khoản cho nội tệ.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho thị trường mở; đồng thời khẳng định, thực hiện theo Thông tư 13 và 19 phần lớn các NHTM quy mô nhỏ đều có giấy tờ có giá hoặc ngoại tệ để thực hiện các giao dịch về nghiệp vụ thị trường mở với NHNN. Vì vậy, NHNN cho rằng thanh khoản đối với các NHTM nhỏ từ nay đến cuối năm không phải là vấn đề quá lớn.

Bình ổn và kéo giảm lãi suất

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng những chỉ đạo và giải pháp can thiệp của NHNN về cơ bản là hợp lý trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, nhìn tổng nguồn vốn huy động của các NHTM cao hơn nhiều so với dư nợ cho vay thì NHTM vẫn thừa sức cung vốn cho nền kinh tế.

Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và các NH đẩy lãi suất lên cao. Bà Hồng đưa ra câu hỏi liệu các NHTM hiện nay do không có đối tượng để cho vay hay phải tạm dừng cho vay?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng không có NHTM nào tuyên bố ngừng cho vay và Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM không ngừng cho vay vì nguồn vốn của các NHTM cho đến thời điểm này không phải quá thiếu.

Để thực hiện Chỉ thị 04 của NHNN, tuần này NHNN cũng sẽ làm việc trực tiếp với các NHTM nhà nước và một số NH cổ phần lớn để làm rõ việc cung cầu vốn ở các NHTM nhằm có biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời.

NHNN cũng yêu cầu các NHTM không được đưa mức chênh lệch quá lớn trong huy động và cho vay gây bất ổn thị trường.

Riêng đối với các NHTM nhà nước, NHNN yêu cầu áp dụng lãi suất cho vay đối với nông nghiệp - nông thôn, các món vay tốt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cho vay nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu lãi suất không quá 13%/năm.

Thực tế hầu hết NHTM đều kéo lãi suất đối với xuất khẩu không quá 13,5%/năm, tín dụng nông nghiệp 13%/năm, cho vay phục vụ hàng tiêu dùng dịp Tết không quá 15%/năm. Hy vọng với hơn 60% thị phần cho vay của các NH quốc doanh sẽ góp phần kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Mai Thảo